Năm 1997, tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi nộp hồ sơ thi tuyển vào Đài TNVN. Vượt qua 2 vòng thi tuyển, tôi và 22 bạn nữa vui mừng nhận được thông báo trúng tuyển của Đài TNVN sau 2 tháng chờ đợi. Hiện nhiều bạn đang công tác ở các đơn vị khác nhau trong VOV như Song Hiền, Đặng Linh, Thu Hà, Đỗ Long, Bích Thuận, Hoàng Thị Hiểu, Hữu Hải, Hoàng Kim Thu…
Quyết định tuyển dụng của tôi do ông Huỳnh Ngọc Ấn, Phó Tổng Giám đốc ký. Theo Quyết định của Tổng Giám đốc Đài, tôi được phân công về Ban Tổ chức Cán bộ (lúc đó là Ban Tổ chức Cán bộ - Đào tạo). Về Ban từ 01/10/1997, sau 2 tuần làm quen với mọi người và công việc ở Ban tôi được cử đi học lớp “Nghiệp vụ phát thanh cơ bản” cùng với anh chị em trúng tuyển đợt đó.
Lớp học được tổ chức tại Hội trường tầng 2 của Ban phát thanh địa phương ở 35 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Bài học đầu tiên nói về “Đạo đức nhà báo” do nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công tác tuyên truyền giảng. Sau 18 năm, tới bây giờ tôi vẫn nhớ như in không khí buổi học đó, vì cũng như tôi, hơn 20 học viên mới tuyển đều háo hức và tự hào chờ đợi được gặp nhà báo Kim Cúc.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cô là sự gần gũi, nhẹ nhàng, tình cảm. Cách nói về đạo đức nhà báo của cô không phải là những điều giao giảng sáo rỗng, giáo điều mà rất thực tế, sâu sắc, dễ hiểu và bổ ích. Sau khi kể về một vài câu chuyện thực tế, cô tổng kết: Ngoài việc sống và làm việc phải thượng tôn pháp luật thì vượt lên trên tất cả những quy tắc pháp luật đó là đạo đức nghề nghiệp mà người làm nghề tự nguyện tuân theo. Báo chí có sức mạnh ghê gớm, báo chí có thuộc tính nhân văn sâu sắc; báo chí có vai trò làm cho xã hội tốt đẹp lên. Do đó, đạo đức người làm báo cách mạng luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, tập thể lên trên mọi lợi ích khác và báo chí phải hướng tới cái chân, thiện, mỹ.
Chỉ bấy nhiêu thôi về đạo đức nhà báo nhưng chúng tôi đều hiểu và mặc dù không trực tiếp cầm bút, nhưng qua đây những người làm bên khối giúp việc như chúng tôi đều hiểu những khó khăn, vất vả, cám dỗ mà các bạn phóng viên bên khối biên tập phải đối diện khi tác nghiệp.
Sau phần nội dung về đạo đức nhà báo, cô hào hứng và đầy tự hào nói về Đài TNVN. Giọng nói truyền cảm với cả trái tim của cô như muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của Đài TNVN. Cô nói: Người không hiểu lịch sử dân tộc như cây không có rễ, suối không có nguồn; làm ở Đài TNVN mà không hiểu lịch sử Đài, không hiểu văn hóa Đài, chức năng, nhiệm vụ của Đài thì sẽ khó mà thành công, cô thì lại mong bạn nào cũng thành công!
Qua câu chuyện cô kể, thế hệ chúng tôi không ai không hiểu những người dựng nghiệp phát thanh Việt Nam như ông Trần Lâm đã cùng đồng nghiệp lập nên Đài TNVN từ đôi bàn tay trắng với muôn vàn khó khăn. Chúng tôi hiểu tại sao Đài lại có tên là Đài Tiếng nói Việt Nam sau gần 100 năm nước ta bị đô hộ, bị xóa tên trên bản đồ thế giới, không có tiếng nói; hiểu hoàn cảnh và lịch sử ra đời của Đài gắn với giọng Phát thanh viên nam đầu tiên là ông Nguyễn Văn Nhất, phát thanh viên nữ đầu tiên là bà Dương Thị Ngân; nhạc hiệu của Đài là bài Diệt phát xít hùng tráng của Nguyễn Đình Thi; ai cũng biết và tự hào về giờ phút Đài TNVN phát sóng lần đầu tiên vào 11h30’ ngày 07/9/1945 với danh xưng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, Phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Lời xướng ấy khi đó đã được thu âm ở phòng thu chỉ được trang âm bằng chăn bông ngấm nước, đã qua 70 năm, nếu có dịp nghe lại, chúng ta vẫn thấy xúc động, hào hùng, vang xa.
Sau giờ nghỉ giải lao, cô nói với chúng tôi về việc cô và những người làm phát thanh đi trước đã vượt qua những khó khăn như thế nào khi mới bước chân vào ngôi nhà VOV. Bí quyết cô truyền lại cho thế hệ chúng tôi không có gì cao xa và khó thực hiện, chỉ ở 2 chữ “Tình yêu”. Có tình yêu với Đài, quãng đường công tác khó khăn như gần lại, có tình yêu với Đài sẽ nâng bước chân những phóng viên tới những nơi địa đầu của Tổ quốc, nơi hải đảo xa xôi; có tình yêu với Đài những người kỹ thuật viên mới có thể quanh năm ở trên những đỉnh núi cao chót vót với mây mù để đảm bảo TNVN mãi vang xa; có tình yêu với Đài chúng ta sẽ không nản lòng mà chỉ thêm quyết tâm khi năm lần, bảy lượt bài viết bị thủ trưởng trả về yêu cầu viết lại…
Còn một chuyện, khiến tôi vô cùng cảm động và tự hào, đến bây giờ khi nói chuyện với tân sinh viên của Trường Cao đẳng PT-TH II dịp đầu năm học tôi vẫn đem ra kể. Kết thúc buổi học hôm đó, tôi được cô gọi lên phòng làm việc ở 58 Quán Sứ và tặng tôi một cái áo phông và một quả quýt. Món quà đầu tiên của đời công chức tôi được nhận từ một Lãnh đạo của Đài TNVN. Nó không có giá trị lớn về vật chất nhưng tôi cảm nhận nó chứa chan tình cảm của cô, nó như nhắc nhủ tôi phải cố gắng thật nhiều trong công việc.
Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ nghe cô giảng bài, nhưng quan trọng hơn là qua tấm gương lao động thực tế của cô thể hiện qua sự tận tình trách nhiệm với công việc, với đồng nghiệp, tình yêu Tiếng nói Việt Nam trọn vẹn trong tôi từ đó, không bao giờ thay đổi. Cho tới giờ, thế hệ chúng tôi dù được giao nhiệm vụ gì, dù đã là cán bộ quản lý hay là nhân viên bình thường thì vẫn không phụ tình yêu và niềm tin yêu cô Kim Cúc dành cho từ buổi học đầu tiên đó. Có dịp ngồi với nhau chúng tôi vẫn nhắc tới tình yêu của cô với Đài như một tấm gương để noi theo. Bạn Kim Thu (hiện làm Trưởng phòng chuyên đề Kênh Truyền hình VOV) thường nói: Chẳng ai yêu Đài như cô Kim Cúc, yêu tới cực đoan.
Nhớ lại bài học cũ, lại chạnh lòng khi nghe câu chuyện từ anh Vũ Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh kể tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Tổng Công ty EMICO. Khi đề cập tới nhiệm vụ của EMICO anh nói: Một số người ở các đơn vị khác nghĩ EMICO là nơi “buôn thúng, bán mẹt”, ngay như Trung tâm Kỹ thuật phát thanh các bạn trẻ cũng không hiểu nó ở đâu trong dây chuyền sản xuất. Hôm qua, có một cô phóng viên chắc cũng phải trên 5 năm kinh nghiệm của Đài sang phỏng vấn tôi về Trung tâm Kỹ thuật phát thanh.
Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, chị ấy hồn nhiên nói “Bây giờ em mới hiểu cơ bản công việc của các anh và Trung tâm kỹ thuật là như thế nào, trước em cứ tưởng nó chỉ là 1 trạm máy móc thiết bị gì gì đó”. Chưa nói tới việc không biết cô phóng viên đó có hiểu lịch sử Đài hay không, mà cả quy trình sản xuất sản phẩm phát thanh cô vẫn làm hàng ngày được đưa tới thính giả như thế nào cô cũng không hiểu thì thật đáng tiếc.
Cũng từ bài học về Đài của cô Kim Cúc cách đây 18 năm, khi được cử về Trường Cao đẳng PT-TH II làm Hiệu Trưởng năm 2011, tôi đã chủ trì xây dựng và đưa vào giảng dạy môn học: Nhập môn Phát thanh - Truyền hình, với mục tiêu đơn giản là tiếp bước cô truyền lửa, truyền tình yêu với ngành, nghề PT-TH cho học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của ngành PT-TH Việt Nam đã có 70 năm xây dựng và phát triển.
Điều đặc biệt là học sinh sinh viên rất hào hứng học môn này, có em còn viết bài cảm nhận trên web. Có lẽ các em không biết điều thôi thúc tôi xây dựng môn học này chính là khi tôi nhớ lại bài học cách đây 18 năm cô Nguyễn Thị Kim Cúc đã dạy ở lớp “Nghiệp vụ phát thanh cơ bản”./.