Trong khóa học ở Ấn Độ, tôi tình cờ quen biết Jijoy, một diễn viên hài kịch. Jijoy là một gã to cao, với bộ râu rậm rạp, cười nói sang sảng.. “Tôi đang tham gia vai diễn một người sống 10 năm trong rừng. Bởi thế đạo diễn bắt tôi phải để bộ râu này” - Jijoy tiết lộ với tôi bằng một giọng hào hứng.

Tôi là người thích lắng nghe. Bởi thế mà cứ mỗi lần gặp, Jijoy sẽ đứng lại để thao thao bất tuyệt về hành trình năm châu bốn bể mà anh đã đi, những vai diễn đã đóng.

12658036_10208812996986229_4816021041947165647_o_fbha.jpg
Jijoy Pulikal Rajagopalan là một diễn viên khá nổi tiếng ở Ấn Độ. (Ảnh: NVCC)

Lần cuối cùng gặp Jijoy, anh đang đứng ở ban công sưởi nắng còn tôi thì xách vali. “Vậy Phú, cậu phải về Việt Nam sao?” - Jijoy hỏi. Tôi xác nhận thì Jijoy bất ngờ nhìn lại bằng ánh mắt nghiêm nghị, rồi nói: “Là nhà báo, cậu có nhiều cơ hội để mang điều tốt đẹp hơn đến cho mọi người”. 

Vẻ nghiêm túc bất thình lình của một gã hài kịch khiến tôi sững lại vài giây. Chúng tôi tạm biệt nhau bằng một cú chạm cùi chỏ (để phòng chống dịch Covid-19). Suốt chặng đường dài từ Kolkata (Ấn Độ) về Hà Nội, câu dặn dò của Jijoy liên tục vang lên trong đầu tôi.

Suốt hai chặng bay, đầu tôi miên man về những gì phải viết để góp sức trong công cuộc phòng chống Covid-19, đến lúc này, có thể coi là một đại nạn với toàn thế giới. Nhìn bà con vui mừng khi bắt chuyến bay cuối cùng về Việt Nam, tôi tự hỏi: Tại sao Việt Nam trở thành điểm đến an toàn?

Niềm vui của hai mẹ con tại khu cách ly trường Quân sự Quân đoàn 1. (Ảnh: Trọng Phú)

Về đến khu cách ly tại trường Quân sự Quân đoàn 1 (Tam Điệp, Ninh Bình), tôi đã nhanh chóng có được đáp án. Điểm khác biệt trong việc phòng chống dịch giữa Việt Nam và các nước chính là khâu phân loại, cách ly kiểm tra những người có nguy cơ lây nhiễm.

Bữa trưa ngày thứ hai trong khu cách ly, tôi không ăn mà lặng lẽ cầm máy ảnh đi quan sát. Một bác cao tuổi than cơm nhạt, không có mắm. Liền sau đó, một chiến sĩ lên xe về đội lấy chai nước mắm rồi sẻ ra bát cho bác. “Chúng tôi để nước mắm trên bàn, bà con nếu có nhu cầu cứ lấy dùng” - Người chiến sĩ trẻ đứng trước cửa phòng thông báo.

Người chiến sĩ rót nước mắm cho một bác cao tuổi trong bữa cơm cách ly. (Ảnh: Trọng Phú)

Lập tức, người cách ly trong phòng hồ hởi, đem theo thìa bát ra lấy thêm nước mắm vào phần ăn của mình. Họ cũng không quên dành những lời cảm ơn và động viên cho các chiến sĩ.

Hành động nhỏ của người chiến sĩ cũng lý giải phần nào lý do vì sao nhiều đồng bào ta ở nước ngoài có tâm lý muốn về Việt Nam chống dịch. Nước ta còn nghèo, chưa có nhiều điều kiện kinh tế nhưng tình người lúc nào cũng chan chứa.

Để phục vụ cho gần 500 người trong khu cách ly, các cán bộ chiến sĩ trường Quân sự Quân đoàn 1 hàng ngày phải thức dậy từ 4h sáng để nấu cơm, dọn dẹp. Những món đồ tiếp tế được người thân chuyển vào liên tục, vẫn là những chiến sĩ phải dùng xe máy đi lấy, chở về từng phòng cho người cách ly. Công việc chỉ kết thúc vào khoảng 11h đêm, khi người cách ly đã đi ngủ hết. "Có những hôm, chúng tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng để phục vụ bà con. Công việc vất vả nhưng là nhiệm vụ nên anh em cũng sẵn sàng làm hết mình" - một chiến sĩ trẻ chia sẻ.

Thượng tá Lê Xuân Tuyến, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, trường Quân sự Quân đoàn 1cho biết: “Sau khi kết thúc cách ly, nhiều bà con rất lưu luyến. Nhiều người đã chảy nước mắt khi chia tay cán bộ chiến sĩ. Đặc biệt nhất khi bà con cảm nhận được tình cảm của bộ đội, đã thực hiện tốt, phát huy tốt phẩm chất Anh bộ đội cụ Hồ, giữ vững mối quan hệ quân dân. Thể hiện đúng tinh thần quân với dân như cá với nước”./.