Một số chốt kiểm soát dịch ùn ứ, người thực thi có cứng nhắc?

Ngày 8/8, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo mới về việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, Hà Nội đề nghị người đi đường cần xuất trình giấy đi đường, căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân như quy định cũ, ngoài ra còn có thêm các giấy tờ sau: lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Việc xác nhận giấy đi đường đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động phải phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường.

Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu thực hiện văn bản về siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, một số chốt kiểm soát dịch xảy ra tình trạng ùn ứ khi lực lượng chức năng dừng xe người dân để kiểm tra giấy tờ. 

Trước việc kiểm tra giấy tờ đi đường mới, không ít người dân cảm thấy hoang mang, ngỡ ngàng vì bị lập biên bản nộp phạt mà không rõ nguyên nhân. Chị N.T.G (người Hà Nội) cho biết: "Tôi vẫn cùng giấy đi đường theo mẫu của UBND TP. Hà Nội do cơ quan cấp để đi làm, thế nhưng hôm nay tôi bị lập biên bản vì mẫu giấy không ghi rõ công việc chi tiết, nhiệm vụ cụ thể. Văn bản của Hà Nội đến khá bất ngờ, tôi chưa cập nhật kịp".

Bên cạnh đó, ở một số chốt xảy ra tình trạng nhiêu khê. Tại chốt cuối đường Hoàng Quốc Việt sáng nay, theo ghi nhận của phóng viên, khi người dân đã trình đủ 4 loại giấy tờ cần thiết gồm giấy đi đường theo mẫu của UBND TP. Hà Nội do cơ quan cấp, căn cước công dân, thông báo phân công nhiệm vụ và lịch trực của đơn vị có dấu đỏ, thế nhưng cán bộ tại chốt vẫn yêu cầu là phải có xác nhận của phường.

Anh M.T (Hà Nội) người dân đi đường bức xúc chia sẻ: “Trên mẫu giấy đi đường theo mẫu của UBND thành phố cấp đã có địa chỉ nơi ở, nơi làm việc. Đơn vị của tôi có 100 người, cũng đã sàng lọc rất kỹ chỉ cấp giấy cho khoảng 40% người thực sự phải đến cơ quan làm việc. Bởi công việc của tôi liên quan đến thông tin tuyên truyền, không thể làm online nhiều. Nếu giờ yêu cầu có phường nữa thì mấy chục người lại đi xếp hàng lấy dấu của phường thì mất giờ làm việc quá”.

Trước diễn biến này, hầu hết mọi người cho rằng quy định mới của UBND TP.Hà Nội sẽ khiến người dân, doanh nghiệp tốn thêm thời gian để xử lý việc hành chính, có thể khó khăn trong những tình huống khẩn cấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày hôm nay đã có rất nhiều người dân tập trung về trụ sở UBND phường để xin xác nhận theo quy định mới của thành phố Hà Nội. Nhiều nơi có tình trạng tập trung đông người, không đảm bảo việc giãn cách theo quy định phòng chống dịch. Một số phường đã phải đóng cửa, không tiếp nhận thêm người đến xin xác nhận vào giấy đi đường nữa.

Nhiều nhân viên công ty, doanh nghiệp phải quay về

Theo ghi nhận của phóng viên ngay sau khi có quy định mới về việc siết chặt việc ra đường của người dân bằng quy định xác nhận giấy đi đường mới, trong ngày 9/8, rất đông nhân viên các doanh nghiệp tới trụ sở UBND phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) xin giấy xác nhận đi đường.

Theo ông Trần Xuân Duy, Phó Chủ tịch UBND Phường Khương Trung, trên địa bàn phường Khương Trung có khoảng 200 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động. Trong sáng 9/8, khoảng 30 công ty đến xin cấp giấy xác nhận đi đường đối với các mặt hàng thiết yếu, chính quyền địa phương mới chỉ chấp thuận được 10 công ty để cấp giấy đi đường cho công nhân đủ điều kiện trên địa bàn phường.

“Chúng tôi đã kiểm tra rất chặt chẽ trong quá trình duyệt hồ sơ đối với các công ty này. Xem xét có đủ điều kiện để hoạt động hay không và chỉ hoạt động 50% theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố”, ông Trần Xuân Duy cho biết.

Công ty Đầu tư Thương mại Vật chất Phát triển Phúc Vinh chuyên kinh doanh thực phẩm thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn cho hơn 70 siêu thị ở Hà Nội. Đây là đơn vị cung cấp hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.  Ngay sau khi nắm bắt được thông tin về những quy định mới về giấy đi đường, anh Nguyễn Phúc Vinh – Giám đốc Công ty cho biết: “Sáng nay tôi sang UBND phường Khương Trung để hoàn thiện giấy tờ đi đường cho nhân viên, được sự hỗ trợ, tư vấn của phường theo quy định mới của UBND thành phố Hà Nội nên bản thân tôi không cảm thấy quá lo lắng”.

Bên cạnh những công ty, doanh nghiệp thiết yếu được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, cũng có không ít đơn vị phải quay về vì không đủ điều kiện hoạt động để được chính quyền cấp giấy đi đường.  

Dù biết công ty hoạt động liên quan đến lĩnh vực kiến trúc xây dựng không nằm trong danh mục thiết yếu được phép hoạt động nhưng chị Lâm Thị Minh Hằng vẫn mang hồ sơ tới UBND Phường Khương Trung để xin giấy đi đường cho nhân viên.  Chị Hằng cho biết: “Mặc dù tôi biết ngành kiến trúc không phải thiết yếu nhưng mà các doanh nghiệp làm sao có thể dừng hoạt động trong một thời gian quá dài như vậy được. Vì thế tôi đến đây để xin xác nhận cho 1-2 người có thể tới công ty trực văn phòng để còn có thể làm các hồ sơ.  Bên cạnh đó, đầu tháng còn phải trả lương cho các nhân viên, mà với tình trạng không đến công ty như thế này thì làm sao thanh toán được, các giấy tờ, văn bản hầu như vẫn ở trên công ty cả. Công điện của Hà Nội ban hành vào chủ nhật nên sáng nay, nhân viên công ty chúng tôi qua các chốt kiểm tra thì chốt nào cũng yêu cầu giấy đi đường mới, vì thế mọi người chưa có giấy mới nên phải quay về”.

Việc triển khai văn bản mới về giấy đi đường để thực hiện Công điện 18 của UBND TP. Hà Nội cũng khiến không ít đơn vị lúng túng trong việc chuẩn bị các giấy tờ cần thiết khi đi xin giấy xác nhận đi đường tại chính quyền địa phương, gây mất thời gian và ảnh hưởng tới việc phòng chống dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Huy Hiệu, Công ty TNHH TM Sản xuất VNA Vũ Bảo cho biết: “Ngay khi có công văn mới của UBND TP. Hà Nội thì công ty chúng tôi cũng đã tiến hành và áp dụng theo Chỉ thị mới, thế nhưng việc tìm kiếm thông tin để soạn hồ sơ đầy đủ rất khó, chúng tôi không biết cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì. Chỉ khi đến UBND phường được cán bộ ở đây hướng dẫn thì tôi mới nắm rõ và bổ sung thêm hồ sơ. Cũng vì điều này khiến bản thân mất thời gian đi đi lại lại. Bản thân tôi mong rằng Hà Nội sẽ đưa ra chỉ dẫn về giấy tờ sẽ cụ thể hơn để các đơn vị soạn theo đúng yêu cầu”.

Theo thông tin được người dân chia sẻ, ngay sau khi Hà Nội ban hành về việc cấp giấy đi đường mới, tại trụ sở UBND phường, xã trên địa bàn Hà Nội phải căng mình làm việc kể cả ngày Chủ Nhật.

Trong thời gian giãn cách việc cấp giấy đi đường là cần thiết để tránh trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng, tránh làm lây lan và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Thế nhưng việc ban hành mẫu giấy đi đường mới cũng gây không ít khó khăn, lúng túng đến hoạt động của các công ty, doanh nghiệp khi quá bất ngờ và chưa có hướng dẫn cụ thể. Điều này vô hình chung gây nên tình trạng đông người ùn ứ xin cấp giấy đi đường khi tới các trụ sở UBND phường đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp./.