Những ngày này, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa trở thành tâm dịch mới của tỉnh Gia Lai. Trong ngày 3 ngày từ 19/11 và 21/11, địa phương đã ghi nhận 165 ca mắc COVID-19 tại 6 làng dân tộc thiểu số. Trong đó, riêng làng Nú có 88 ca. Đa số những F0 này được xác định đã tham gia ăn uống trong một đám tang tổ chức 2 ngày 10 và 11/11.
Bà Dương Thị Kim Quy- Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa cho biết: “Ban chỉ đạo có giao cho tổ COVID-19 cộng đồng ở dưới thôn, hạn chế tập trung đông người; người ngoài làng, xã thì ghi tên. Ví dụ, người Kinh thấy dịch bệnh như vậy thì chỉ tới thắp nhang, rồi quay ra. Nhưng bà con thì khác, phải ngồi bắt tay nhau, nói chuyện với nhau, ăn một miếng, uống một ly rượu. Cho nên, rất khó trong phòng, chống dịch”.
Còn tại TP. Pleiku, hiện cả 3 ngôi làng Jrai đều bị phong toả vì phát hiện hàng trăm người nhiễm COVID-19, cũng liên quan tới các đám tang. Ông Rơ Châm Thót- Bí thư chi bộ làng Ốp (phường Hoa Lư- TP. Pleiku) cho biết, cách tổ chức tang ma theo truyền thống khi dịch đang diễn biến phức tạp khiến làng có 77 người nhiễm bệnh.
“Khi có người chết thì bà con tập trung vào, họ có ghè (ghè rượu) thì mang ghè để chia buồn; heo, gà thì họ hàng, tuỳ vào khả năng, điều kiện của anh em trong gia đình. Đa số là gà, heo rất lớn; ngồi chung, uống chung. Tổ chức 2 đến 3 ngày, ngày thứ 4 mới hết, rất ảnh hưởng sức khoẻ, kinh tế. Hiện tại thì vẫn giữ nguyên như thế, chưa xoá bỏ được”, ông Rơ Châm Thót cho hay.
Hiện nay, ở Gia Lai có khoảng 1000 làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố. Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên, tính cộng đồng được thể hiện đậm nét trong hầu hết các hoạt động lao động sản xuất, đời sống văn hoá. Nhưng trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đây lại trở thành một cản trở đối với công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
Ông Lê Văn Quang- Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, TP.Pleiku cho biết, để khắc phục tình trạng này, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải phát huy vai trò của những người uy tín trong cộng đồng, tuyên truyền vận động người dân đồng lòng, tuân thủ, ủng hộ các biện pháp chống dịch.
“Trong thời gian phong toả, tại làng Ốp có một đám ma. Chúng tôi đã tập trung hệ thống chính trị để tuyên truyền cho gia đình có người chết, xác định tư tưởng: không tổ chức tại nhà. Sau khi gia đình thống nhất việc tuyền truyền, thì chuẩn bị đào huyệt sẵn, đưa người mất về, tổ chức chôn luôn, không tụ tập, tránh việc tổ chức ma chay của người đồng bào”, ông Quang cho biết./.