Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế cho biết, sau 20 năm đương đầu với HIV/AIDS, cho dù Việt Nam đã đạt được “3 giảm” (giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do AIDS).

Tuy nhiên, dịch HIV vẫn tiếp tục lây lan trên đất nước ta và chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ bùng nổ dịch ở một số địa phương.

IMG_2963.JPG

Bác sĩ đang tư vấn cho một thanh niên nhiễm HIV tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tính đến 31/3/2012, cả nước ghi nhận 201.134 trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống, trong đó 57.733 bệnh nhân AIDS và từ năm 1990 đến nay, Việt Nam đã có 61.579 người tử vong do AIDS.

So sánh với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp được xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và được báo cáo trong quý I/2012 giảm hơn 1.000 trường hợp, số bệnh nhân AIDS giảm 760 trường hợp và số người tử vong do AIDS giảm hơn 200 trường hợp.

Đứng đầu trong “top 10” tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh (48.917), tiếp đó lần lượt là: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Nghệ An, Đồng Nai, Điện Biên, Thanh Hóa và An Giang. Về địa bàn phân bố dịch: Toàn quốc đã phát hiện được số người nhiễm HIV ở 78% xã/phường, gần 90% quận/huyện và 63/63 tỉnh/thành.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ người nhiễm HIV có độ tuổi từ 30 – 39 đang có xu hướng gia tăng, tỷ lệ nữ nhiễm HIV ngày một nhiều hơn so với trước đây và số người lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn ngày càng chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với các “con đường” khác.

Đặc biệt, tỷ lệ người nhiễm HIV là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đang gia tăng đáng kể, tuy nhiên, nhóm người này rất khó tiếp cận và không muốn “lộ diện”./.