Người dân Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu và những bệnh nhân trong vụ lật cầu Chu Va 6 vẫn luôn nhớ và khắc sâu hình ảnh những y, bác sỹ tận tụy ngày đêm cứu chữa họ vượt qua cơn nguy kịch. Nhiều người tưởng chừng đã không qua khỏi, vậy mà đã được hồi sinh.

sap_cau_1_epll.jpg
Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cho nạn nhân bị gẫy xương đùi
Ngay sau những ngày vui xuân đón tết, hôm nay, trưởng bản Chu Va 8 Trang A Sử cùng anh em trong bản đến bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu thăm các y, bác sỹ nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Trong những cái bắt tay thật chặt, nhiều bệnh nhân trong vụ lật cầu Chu Va 6 cách đây 1 năm trước không khỏi xúc động. Nhận quà mà bà con mang đến là những cặp bánh dầy, nải chuối chín cây, các y, bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu vui và cảm động.

Là người bị đa chấn thương và ra viện cuối cùng, trưởng bản Trang A Sử càng thêm hiểu trách nhiệm, sự tận tụy mà các y, bác sỹ ở đây dành cho mình và bà con trong bản. Những tưởng phải nằm liệt một chỗ, vậy mà nay anh đã có thể đi lại trên đôi chân của mình.

“Chúc các bác sỹ tỉnh Lai Châu, các bác sỹ của bệnh viện Bạch Mai thật nhiều sức khỏe, nhiều tài năng để cứu chữa cho nhiều người bệnh”, trưởng bản Trang A Sử xúc động nói.

Còn anh Vàng A Chư có con trai bị chấn thương sọ não được cứu sống cũng xúc động nói: “Con trai Vàng A Thành của mình bị nặng nhất, đầu bị va chạm mạnh,  đã tưởng con mình không cứu được nữa rồi, tưởng mất con. Tôi cảm ơn các bác sỹ cuả tỉnh và Hà Nội nhiều lắm, các bác sĩ đã giữ lại mạng sống đứa con của mình”.

Trong vụ lật cầu Chu Va 6, hơn 30 nạn nhân bị thương được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đều bị chấn thương nặng như: Vỡ gan, vỡ thận, vỡ lá lách, vỡ ruột, có 4 ca bị chấn thương sọ não, nhiều ca đa chấn thương. Ngay khi tiếp nhận thông tin về vụ lật cầu, lúc đó, Sở Y tế tỉnh Lai Châu vừa cử đoàn y, bác sỹ của Bệnh viện đa khoa tỉnh xuống hỗ trợ cho bệnh viện đa khoa huyện Tam Đường, đồng thời bố trí cán bộ túc trực đón bệnh nhân.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu nhớ lại: Những bệnh nhân trong vụ lật cầu chấn thương rất phức tạp, có ca vừa vỡ lá lách, vừa vỡ gan, chấn thương lồng ngực và gãy xương đùi đã khiến cho công tác cứu chữa hết sức khó khăn. Để vượt qua khó khăn, lúc đó ai cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hướng về người bệnh, hướng về bà con Chu Va.

Lần đầu tiên, sau gần 10 năm kể từ khi chia tách tỉnh mới, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận cùng lúc một số lượng lớn bệnh nhân vào viện. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, nguồn thuốc của bệnh viện đã được đảm bảo, đủ lượng máu dự trữ để truyền và chỉ khâu để mổ cấp cứu cho tất cả các bệnh nhân.

Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu nhớ lại: “Hình ảnh tôi nhớ mãi đó là chúng tôi đã tập trung tất cả các y, bác sỹ không ngại trưa, hay đêm tối, làm việc bất kể lúc nào không làm mọi người mệt mỏi. Những quyết tâm của chúng tôi khi đó được sự ủng hộ của tỉnh, của ngành, nhất là của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Y tế đã gọi điện liên tục động viên an hem bằng mọi cách, bằng mọi điều kiện có thể cứu chữa từng nạn nhân cho hiệu quả. Với tinh thần đó chúng tôi động viên anh em, các kíp trực có thể ăn tại chỗ, theo dõi từng bệnh nhân. Đồng thời với sự hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai thì hiệu quả càng tăng lên. Bệnh viện Bạch Mai đưa máu và dịch truyền lên. Bệnh viện Việt Đức đưa kỹ thuật lên. Mỗi ngày trong tổng số 30 bệnh nhân có tới 90 lần mổ tại bệnh viện Lai Châu”.

Sát cánh cùng đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, còn có đội ngũ bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức với nhiều ngày đêm thức trắng tìm những phương pháp điều trị tối ưu để cứu sống hơn 30 bệnh nhân bị thương nặng. Những tình cảm, sự tận tụy hết lòng của những người thầy thuốc đã giúp người dân Chu Va vượt qua nỗi đau để hồi sinh./.