Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều người dân có nhu cầu về quê ăn Tết, trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ lây lan nhanh của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người trở về từ các vùng dịch phải cách ly tập trung và xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đến nay, các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế… đã có quy định cụ thể với các mức độ khác nhau.
Nhiều người dân băn khoăn liệu họ có được về quê và di chuyển tới các địa phương khác hay không. Đối với người dân ở 10 tỉnh, thành đang có bệnh nhân mắc COVID-19, họ có bị cách ly 14-21 ngày khi đến các nơi khác?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch là đúng, nhưng chỉ nên thực hiện cách ly đối với người bệnh dương tính với SARS-CoV-2 (mà ta vẫn gọi là F0). Những trường hợp F0 được cách ly và điều trị tại cơ sở điều trị. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính (F1) thì phải cách ly tập trung, những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) thì phải cách ly tại nhà và F3 thì phải theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của y tế.
"Hiện việc quyết định các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách… Thủ tướng đã giao cho các địa phương quyết định. Tuy nhiên quyết định của địa phương phải hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có hướng dẫn các hình thức cách ly, phong toả, giãn cách, còn phong tỏa, quy định khu vực cách ly, cách ly bao nhiêu ngày, phong toả ở mức độ nào, cách ly ở phạm vi nào… là do địa phương quyết định”- ông Phu cho biết.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu chỉ có một điểm có dịch, hoặc chỉ có 1 ca bệnh tại 1 chung cư, một ngõ phố … nhưng lại bắt cả người dân trong phường đó về quê phải cách ly là không nên. Chẳng hạn, với những phường chỉ có 1 ca bệnh, những người khác ở phường đó không bị lây lan, họ vẫn đi lại bình thường tại Hà Nội, thì không nên cách ly khi họ về quê.
Ông Phu cũng nêu rõ, trừ những người ở trong ổ dịch, vùng dịch là không được về, còn những người không thuộc các ổ dịch, vùng dịch vẫn có thể về quê ở địa phương khác. Tuy nhiên người dân cần bắt buộc thực hiện việc khai báo y tế. Bởi đây là cơ sở để nếu có xảy ra ca bệnh thì sẽ dễ dàng cho việc truy vết.
"Người dân khi di chuyển về quê tại các địa phương cần phải thực hiện biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang, nên đi xe riêng hoặc xe gia đình là tốt nhất. Nếu đi phương tiện công cộng phải thực hiện đúng khuyến cáo trên từng loại phương tiện như: Trên tàu, xe, sân bay theo quy định, và phải khai báo y tế"- ông Phu cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc này đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho các địa phương. Cụ thể, chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế.
Ông Tuyên cho biết, việc có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 hiện nay hay không tùy theo quyết định của lãnh đạo các địa phương.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, lãnh đạo các địa phương và người dân cần hiểu rõ thế nào là vùng dịch để có biện pháp phù hợp.
Thứ trưởng nêu rõ, vùng có dịch là nơi được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'. Như vậy, những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối không được di chuyển.
Đối với trường hợp thuộc diện F3, F4 không sinh sống hoặc đi qua các địa điểm bị phong tỏa, có thể di chuyển đến địa phương khác khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú. Ngoài ra, họ bắt buộc phải khai báo với chính quyền ở nơi đến để được theo dõi y tế.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện Cục Y tế Dự phòng đang soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Trong đó, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc có được di chuyển trong dịp Tết này cũng như các biện pháp phòng hộ.
Ông Tuyên cho hay, 10 tỉnh, thành có dịch COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.
"Tôi lấy ví dụ Hà Nội đang có dịch COVID-19, phong tỏa một số điểm ở quận Cầu Giấy, nhưng người dân huyện Thanh Oai sẽ không liên quan. Kể cả ở Cầu Giấy, một số điểm bị phong tỏa chứ không phải toàn quận"- ông Tuyên nói./.