Thông tin tại hội thảo vận động chính sách về quyền của lao động di cư khu vực phi chính thức do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tổ chức ngày 22/6 cho thấy, có tới 90% người lao động trong nhóm này không được tiếp cận với dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi di cư đến sinh sống.
Lao động di cư: Làm nhiều, hưởng ít
Tại Việt Nam, các báo cáo thống kê của chính phủ và của các tổ chức xã hội cho thấy, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị đang gia tăng cả về số lượng lẫn tỷ lệ người di cư. Xu hướng gia tăng này chỉ nổi bật rõ rệt trong vòng một thập kỷ vừa qua. Số người di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009.
90% lao động di cư không được tiếp cận dịch vụ, an sinh xã hội (Ảnh: CDI) |
Tỷ lệ của nhóm di cư này trong tổng dân số cũng tăng tương ứng từ 2,5% trong năm 1989 lên 2,9% năm 1999 và 4,3% năm 2009. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số. Đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Theo đánh giá, lao động di cư có những đóng góp đáng kể tại khu vực thành thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khu vực phi chính thức đóng góp 20% cho tổng GDP, tuy vậy tới 90% người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ, vì có hơn 80% người lao động di cư có đem theo con tới nơi đến và không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các nhóm con của người di cư.
Riêng Hà Nội, theo thống kê, tại phường Chương Dương và phường Phúc Tân, thuộc quận Hoàn Kiếm, có khoảng 4.056 phụ nữ và 1.045 nam giới làm nghề bán hàng rong và thu mua phế liệu. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và tư vấn pháp luật của hàng ngàn lao động này còn rất hạn chế.
Làm sao để lao động di cư tiếp cận an sinh xã hội?
Theo các chuyên gia, lao động di cư là nhóm lao động yếu thế và hiện chưa có chương trình, chính sách tổng thể nào để dành cho họ. Đa số người lao động di cư khu vực không chính thức chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi và lợi ích của mình ở nơi làm việc và nơi cư trú như: quyền không bị phân biệt đối xử, quyền có công việc và các điều kiện làm việc, quyền được giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quyền được bảo đảm về an sinh xã hội...
Bà Nguyễn Thu Giang – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) nêu thực tế: “Hiện nay Hà Nội có hơn 18% lao động di cư không có đăng ký hộ khẩu và thành phố Hồ Chí Minh là 30%. Điều này không những gây khó khăn cho phía cơ quan quản lý, mà còn là rào cản quá lớn để lao động tiếp cận các dịch vụ công. Nguyên nhân khiến hầu hết lao động di cư không tiếp cận được với BHYT, BHXH, giáo dục, nhà ở, nước sạch... là do hệ thống chính sách của Việt Nam chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà, phức tạp, nhất là các chính sách gắn liền với hộ khẩu”.
Bà Nguyễn Thị Hiền Thúy, Phó trưởng ban Luật pháp Chính sách - Hội LHPN Hà Nội dẫn chứng: Điều 18 Bộ luật lao động quy định “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động”.Rõ ràng, một số điểm bất cập trong chính sách, pháp luật về BHXH liên quan với lao động phi chính thức do làm việc không có hợp đồng lao động, nên họ chỉ tham gia loại hình BHXH tự nguyện và chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Do điều kiện làm việc phần lớn không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, mức độ gặp rủi ro trong công việc cao hơn, nên họ rất cần được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Nhưng đối với nhóm lao động phi chính thức, các chế độ trên không có trong BHXH tự nguyện.
Bà Nguyễn Thị Hiền Thúy cũng nhấn mạnh, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và BHYT của lao động di cư phi chính thức gặp khó khăn do chi phí khám, chữa bệnh và mua BHYT cao so với khả năng chi trả; các quy định về hành chính, pháp luật liên quan còn nhiều rào cản; lao động di cư còn gặp phải sự kỳ thị do định kiến xã hội khi muốn chủ động mua hoặc khám bệnh bằng BHYT. Những rào cản này đã khiến lao động di cư ít tham gia đóng BHYT.
Trước tình trạng đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, ban hành các văn bản mới có tính khả thi và hiệu quả hơn, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng và tạo điều kiện để người lao động nhập cư được tiếp cận các quyền cơ bản của công dân một cách tốt nhất; cải cách triệt để hơn trong hệ thống thủ tục hành chính về quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tuyển sinh các bậc học. Đồng thời, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm y tế để người lao động di cư có thể dễ dàng tiếp cận.
“Cần cải cách triệt để hơn trong hệ thống thủ tục hành chính về quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, tuyển sinh các bậc học; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia BHYT để người lao động di cư có thể dễ dàng tiếp cận; cần có quan điểm xác định, thừa nhận một thực tế là lao động di cư là một luồng lao động bổ sung cho địa phương…” – bà Hiền Thúy đề xuất./.