Theo đó, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 9 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN; mức trích hàng năm từ các nguồn như sau:
Mức chi phí quản lý BHXH bằng 2,3% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH), được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.
Mức chi phí quản lý BHTN bằng 2,3% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp), được trích từ quỹ BHTN.
Còn mức chi phí quản lý BHYT bằng 5% dự toán thu tiền đóng BHYT, được trích từ khoản 10% số tiền đóng BHYT dành cho quỹ dự phòng và chi phí quản lý quỹ BHYT.
Mức chi tiền lương cho cán bộ
Quyết định quy định mức chi tiền lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, được áp dụng đối với các đối tượng trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt như cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an (chỉ áp dụng đối với tổ chức BHXH là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán); người lao động thực hiện chính sách BHTN trong các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, tổ chức BHTN trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phần chênh lệch giữa mức chi tiền lương thực tế theo quy định ở trên so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn./.