“Lao động di cư có quyền được tiếp cận bình đẳng hệ thống an sinh xã hội”. Đó là nội dung được đề cập trong Lễ ra mắt Mạng lưới vì Lao động di cư (M.net) và triển lãm với chủ đề “Gánh số phận-Nhặt tương lai” do tổ chức Oxfam phối hợp với Mạng lưới vì lao động di cư tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.

Theo báo cáo thống kê của Chính phủ và một số tổ chức xã hội dân sự, luồng di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng gia tăng. Nếu như năm 1999 có 2 triệu người thì đến năm 2009 tăng lên 3,4 triệu người. Dự báo đến năm 2019, sẽ có 5 triệu người di cư ra thành thị.

lao_dong_1_bwwv.jpg
Lao động di cư ra thành phố làm nhiều nghề kiếm sống

Trên thực tế, lao động di cư có những đóng góp đáng kể cho khu vực thành thị, với khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, thu nhập của họ thấp (trung bình chỉ đạt 2,2 đến 2,5 triệu/tháng). Đa số lao động di cư làm các công việc lao động giản đơn trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện … 90% người lao động di cư không được tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến. 

Thực tế này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống và quyền của lao động di cư, đặc biệt là phụ nữ với hơn 80% đem theo con tới nơi đến nhưng không được hưởng những chính sách ưu tiên về y tế và giáo dục.

Chị Nguyễn Thị Ngọc ở Bắc Giang cho biết, do ở quê không có ruộng vườn, không có nghề nghiệp, trình độ văn hóa thấp nên hai vợ chồng chị đưa cả 2 con nhỏ ra Hà Nội làm nhiều nghề để kiếm sống từ đi xe ôm, buôn bán hoa quả đến giúp việc nhà… Hầu hết những lao động di cư đều có cuộc sống bấp bênh nhưng theo chị Ngọc thì họ ít có sự lựa chọn.

“Chúng tôi chỉ là lao động tự do nên nhiều khi gặp rủi ro lớn. Tiền làm ra chỉ cố gắng đáp ứng tiền thuê trọ, tiền ăn và tiền cho con cái học hành. Việc đóng tiền bảo hiểm y tế cho 2 đứa con kèm tiền đóng đầu năm, tiền học khiến chúng tôi quay như chong chóng, đôi khi còn phải đi vay. Bản thân bố mẹ thì thôi, biết bảo hiểm là có lợi nhưng mình chưa đủ khả năng thì đành dừng lại, không thể đáp ứng cho bản thân”-Chị Nguyễn Thị Ngọc tâm sự.

Nơi thuê trọ của lao động di cư tại khu vực chợ Long Biên

Trước tình hình đó, tổ chức Oxfam đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam thành lập Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư. Mục đích hoạt động của mạng lưới là vận động thay đổi hệ thống chính sách để người lao động di cư có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng LIGHT- cơ quan điều phối Mạng lưới vì lao động di cư chia sẻ: “Để cho cuộc sống của lao động di cư ngày càng tốt đẹp hơn, chúng tôi xác định giới truyền thông luôn là người bạn đồng hành đắc lực để góp phần truyền tải tiếng nói của người lao động di cư đến với các nhà hoạch định chính sách- những người có ảnh hưởng cũng như đến với cộng đồng. Chúng ta cùng kết nối để làm sao các phía đều nhìn thấy và hỗ trợ nhau"./.