Ngư dân cần được quan tâm và tiếp cận các chính sách hỗ trợ để yên tâm bám biển và ổn định cuộc sống. Đó là ý kiến của đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 30/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với lợi thế có gần 750 km bờ biển, chiếm 23% chiều dài bờ biển trong cả nước và có 7/13 tỉnh, thành giáp với biển. Hàng năm, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản. Hiện nay, ĐBSCL có hàng trăm phương tiện của ngư dân tham gia đánh bắt thủy, hải sản.

Theo đại biểu Trần Khắc Tâm, trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm tạo điều kiện, có những chính sách thiết thực hỗ trỡ cho các ngư dân đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc đánh bắt thủy, hải sản ngày càng đối diện với nhiều thách thức thì ngư dân ĐBSCL rất cần những chính sách đồng bộ, tăng nguồn lực đầu tư để yên tâm ra khơi.

Ngư dân ĐBSCL rất mong muốn ngân hàng cần tạo kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để mua sắm trang thiết bị, máy móc khi ra khơi. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân yên tâm bám biển, phát triển đời sống cũng là thiết lập nên một lực lượng lớn nguồn lực đáng tin cậy bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh hải Việt Nam.

Những kiến nghị của ngư dân ĐBSCL mong muốn hiện nay là được xếp vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng ý quan điểm cần đầu tư và tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân yên tâm sản xuất, cải tiện đời sống, đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) kiến nghị: Nhà nước cần tạo điều kiện, môi trường phát triển bền vững cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn; có chính sách quản lý, khai thác nguồn tài nguyên rừng, hạn chế tối đa khai thác tài nguyên rừng một cách bừa bãi.

Theo đại biểu Trương Văn Vở, từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn tương đối thấp (chỉ trên, dưới 1,5% GDP), trong khi đó, đóng góp cuả nông nghiệp vào GDP là khoảng 20% GDP. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu tăng cường kinh phí đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn.

Ngoài ra, cần có chính sách hợp lý trong khâu tiêu thụ nông sản giữa nông dân-doanh nghiệp. Song song với đó là tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, dự trữ nguyên liệu nông sản khi giá cả có sự biến động, nhằm hạn chế doanh nghiệp nước ngoài chi phối về giá cả, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh của nông dân./.