Những ngày qua khoảng 400 học viên đăng ký thi sát hạch lấy bằng lái xe ô tô tại Văn phòng tuyển sinh đào tạo và sát hạch lái xe Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, thuộc Bộ Công an, (địa chỉ số 263A đường Phan Chu Trinh, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rất lo lắng vì cơ sở đóng cửa, không liên lạc được với người đại diện. Nguy cơ các học viên này bị mất toàn bộ số tiền lệ phí, chi phí đi lại đang hiển hiện bởi khả năng Văn phòng này là giả mạo.
Trung tâm đã đóng cửa, gọi người đại diện thì không liên lạc được. |
Anh Trần Ngọc Hải 35 tuổi, ở đường Đặng Văn Ngữ, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, do có nhu cầu thi bằng lái ô tô hạng B2, anh lên mạng tìm kiếm và đọc thấy websibe của Văn phòng trung tâm Đại học Phòng cháy chữa cháy, thuộc Bộ Công an đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột tuyển sinh. Giữa tháng 10 năm 2018 anh đến ghi danh và nộp đủ lệ phí học, thi để được cấp bằng. Gần 3 tháng trôi qua, đến nay, anh vẫn chưa được dự thi sát hạch lái xe ô tô.
Mỗi học viên nộp số tiền từ 6 đến 8,5 triệu đồng với lời hứa bao đậu 100%. |
Còn anh Phan Văn Hiền 22 tuổi, ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp cho biết thêm: "Tình cờ em xem quảng cáo trên facebook, thấy có thông tin là đơn vị của Đại học phòng cháy chữa cháy thuộc Bộ công an nên em yên tâm đóng tiền học. Giờ thì em mong cơ quan chức năng vào cuộc tìm ra người đứng đầu trung tâm để điều tra làm rõ, lấy lại tiền cho chúng em".
Văn phòng đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe địa chỉ số 263A đường Phan Chu Trinh (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột), xuất hiện vào khoảng tháng 9 năm 2018. Đến thời điểm bị tố giác, có khoảng 400 trường hợp nộp tiền lệ phí từ 6 đến 8,5 triệu đồng để tham gia học, thi sát hạch lấy giấy phép lái xe ô tô.
Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk cho biết: Tại tỉnh Đắk Lắk, có 8 cơ sở được cấp phép đạo tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhưng tuyệt đối không có cơ sở nào tên Văn phòng đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe Trung tâm Đại học Phòng cháy chữa cháy, thuộc Bộ công an.
Ông Kiệm khẳng định: "Có một số học viên đã gọi điện trực tiếp cho tôi, và tôi khẳng định chúng tôi không quản lý đơn vị này, cơ sở này sở Giao thông Vân tải không quản lý. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những quảng cáo cũng như quyết định nộp hồ sơ để không bị thiệt thòi".
Đã có khoảng 400 trường hợp nộp tiền cho Văn phòng Trung tâm đào tạo sát hạch và cấp GPLX giả danh đơn vị của Bộ Công an. |
"Trường Đại học PCCC đã khẳng định không có trang web này, không có bất kỳ cơ sở nào được mở tại thành phố Buôn Ma Thuột, điều này chúng tỏ đây là hành vi này là mạo danh, lừa đảo. Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh đã làm văn bản yêu cầu Phòng Lao động thương binh và xã hội thành phố phối hợp với công an thành phố điều tra, xác minh. Có kết quả báo về sở thì chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi đến cơ quan báo chí, cũng như người dân”, ông Tùng nói.
Vì sao một trung tâm đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe mạo danh hoạt động một thời gian dài ngay giữa thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mà không bị xử lý? Đây là điều rất cần làm rõ./.