Vừa qua, tại xóm 2, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có 1 người dân tử vong do bị chó dại cắn. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An có 7 người tử vong vì bệnh dại. Trong khi đó, ý thức phòng chống bệnh dại của người dân vẫn còn nhiều bất cập.
Nhân viên y tế tư vấn cách phòng bệnh dại cho người dân. |
Theo số liệu của xã Hưng Trung, từ trung tuần tháng 7/2016 đến nay, trên địa bàn có tới 40 người bị chó cắn nhưng chỉ có 1 số ít người đi tiêm phòng bệnh dại, còn lại là uống thuốc nam.
Sau khi chị Hoàng Thị Hảo bị tử vong, nhiều người dân từng bị chó cắn ở xã Hưng Trung rất lo lắng. Nhiều người trước đây do chủ quan chỉ uống thuốc nam, không tiêm phòng, nay đã bắt đầu đi tiêm phòng dại cho dù bị chó cắn cách đây hơn 10 ngày.
Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã có 7 người chết vì bệnh dại. Tiêm phòng vắc xin dại trên chó, mèo là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại, nhằm hạn chế tối đa các ca bệnh dại ở người.
Tuy nhiên, trong tổng đàn gần 520.000 con chó đang được nuôi trong dân, chủ yếu là thả rông, tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 20%, tiềm ẩn việc lây lan bệnh dại cho người là rất lớn.
Ông Lê Xuân Lượng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, nhiều người dân còn chủ quan dùng thuốc Nam để điều trị bệnh dại, trong khi việc tổ chức cho người dân tiêm phòng còn quá thấp, chó nuôi được thả rông nhiều nên bệnh dại vẫn phát ra trong một số thời điểm nhất định.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh dại trên động vật, cần tiêm phòng vacine dại mỗi năm 1 mũi cho chó, mèo để tạo miễn dịch chủ động. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người.
Bên cạnh đó, khi bị chó dại cắn, người dân cần đến trung tâm y tế để được tư vấn tiêm vacine phòng bệnh dại./.