Phát thanh được khẳng định là huyết mạch và vẫn luôn là phương tiện truyền thông tiếp cận rộng rãi nhất và trong thời gian nhanh chóng nhất có thể với các cộng đồng, với thính giả trên toàn thế giới.
Logo biểu trương Ngày Phát thanh Quốc tế của UNESCO. |
Năm nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) lựa chọn chủ đề “Phát thanh trong thời kỳ khẩn cấp và thảm họa” cho Ngày Phát thanh Thế giới 2016, nhấn mạnh rằng Phát thanh vẫn luôn là phương tiện truyền thông tiếp cận rộng rãi nhất và trong thời gian nhanh chóng nhất có thể với các cộng đồng, với thính giả trên toàn thế giới.
Nhân Ngày Phát thanh Thế giới 2016, UNESCO đưa ra 5 thông điệp tập trung vào Phát thanh cứu sống con người; Đảm bảo an toàn cho các nhà báo; Phát thanh có ảnh hưởng xã hội; Bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa…
Trong thông điệp kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới 2016, Tổng Giám đốc UNESCO IIrina Bokova nhấn mạnh: “Phát thanh chính là sức mạnh của truyền thông. Phát thanh thắp lên hy vọng. Nhân Ngày Phát thanh Thế giới năm nay, tôi kêu gọi các nước thành viên UNESCO phát triển và tăng cường khả năng của phát thanh.
Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng tự do thông tin và sự an toàn của các phóng viên là yếu tố sống còn trong các tình huống khẩn cấp. Chúng ta hãy cùng nhau phát triển hết sức mạnh của Phát thanh đó là : Phát thanh cứu sống con người”.
Từ cuối năm 2011, UNESCO đã thông qua tuyên bố lấy ngày 13/2 là Ngày Phát thanh Thế giới. Phát thanh được coi là phương tiện truyền thông chi phí thấp, có khả năng tiếp cận những cộng đồng dân cư ở các vùng xa xôi cũng như những người có số phận kém may mắn như người mù chữ, khuyến tật, phụ nữ, thanh niên nghèo.
Phát thanh có khả năng tạo ra một diễn đàn cho công chúng, không phân biệt trình độ văn hoá. Hơn nữa, phát thanh có vai trò to lớn trong các trường hợp thông tin khẩn cấp, phòng ngừa thiên tai.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, phát thanh đang ngày càng có nhiều thay đổi về các hình thức công nghệ và cả những cơ hội để phát triển. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gửi thông điệp cho Ngày Phát thanh Thế giới năm nay nhấn mạnh: Thông qua mạng lưới phát thanh người dân có thể lên tiếng và tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe.
Ông Ban Ki-moon nói: “Trong thời kỳ khủng hoảng và tình huống khẩn cấp, Phát thanh chính là huyết mạch. Với người dân đang mắc kẹt bởi khủng hoảng hay thảm họa và đang tuyệt vọng chờ đợi tin tức thì Phát thanh sẽ là nguồn thông tin sống còn. Phát thanh hữu ích trong các hoạt động đối phó với tình huống khẩn cấp và hỗ trợ cho nỗ lực tái thiết.
Năm nay, chúng ta bắt đầu thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững, do đó chúng ta hãy sử dụng Phát thanh để phục sự cho sự đi lên, sự tiến bộ của con người.
Hội nghị thượng đỉnh Nhân đạo thế giới sẽ diễn ra vào tháng 5 tới cũng sẽ là cơ hội để chúng ta tìm ra những cách thức sử dụng Phát thanh hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ con người trong các tình huống khẩn cấp. Nhân Ngày Phát thanh Thế giới chúng ta hay quyết tâm chứng minh rằng Phát thanh giúp cứu sống con người”.
Ngày Phát thanh Thế giới nhằm kỷ niệm buổi phát thanh đầu tiên của Liên Hợp Quốc năm 1946, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Phát thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin qua sóng phát thanh và tăng cường mạng lưới phát thanh toàn cầu.
Trong hoạt động kỷ nhiệm Ngày Phát thanh Thế giới 2016, Hiệp hội Phát thanh truyền hình châu Âu sẽ tổ chức chương trình “Âm nhạc lưu động” (với sự phối hợp của các Đài phát thanh đối tác và các Hiệp hội phát thanh truyền hình trên khắp thế giới.
Chương trình “Âm nhạc lưu động” sẽ đưa các thính giả nghe Đài đi vòng quanh thế giới trong chương trình kéo dài 2 giờ đồng hồ trong Ngày Phát thanh Thế giới./.