Chiều 15/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1956 ngày 27/11/ 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tham dự có đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Trung tâm dạy nghề và Hội Nông dân các địa phương.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội nông dân cả nước tổ chức tuyển sinh, dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên hơn 34.000 lớp với gần 1 triệu người tham gia; Vận động nông dân tham gia học nghề gần 89.000 buổi với hơn 10 triệu lượt người. Tư vấn miễn phí hơn 5 triệu lượt nông dân tham gia học nghề, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh; phối hợp xây dựng 437 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi…

dao_tao_nghe_tr_vfaz.jpg
Trung ương Hội Nông dân sơ kết 5 năm đào tạo nghề lao động nông thôn (Ảnh: Minh Long)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh Lai Châu cho rằng: công tác dạy nghề ở địa phương thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn, nhất là thay đổi nhận thức của lao động là đồng bào dân tộc ít người về vị trí, vai trò của đào tạo nghề trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, đến nay tỉnh Lai Châu đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 40% vào năm 2011 hiện chỉ còn 27,22% hộ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Gấm đề nghị: “Tăng cường kinh phí đầu tư nâng cao năng lực dạy nghề cho các Trung tâm của các địa phương. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ của Hội đặc biệt là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do trình độ nhận thức của người học nghề, đặc biệt ở các tỉnh miền núi cần có chính sách hỗ trợ về tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn và đặc biệt là việc hỗ trợ để nhân rộng trên thực tiễn đối với các mô hình học nghề cho lao động thì mới có hiệu quả”.

Ngoài những kết quả đạt được công tác dạy nghề lao động nông thôn thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như: một số tỉnh, thành hội chưa có Trung tâm dạy nghề; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; Quy mô và hình thức dạy nghề còn hạn chế so với nhu cầu thực tiễn của nông dân… Một số ý kiến cho rằng, công tác đào tạo nghề cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân và đa dạng các ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo cần lồng ghép và hình thành mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp tuyển dụng lao động….

Về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2015 và giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu mỗi năm tổ chức dạy nghề hơn 2.000 người; Tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với các nghề nông – lâm – ngư nghiệp đạt hơn 95%.

Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo ngành nghề và trình độ đào tạo theo hướng chuẩn hóa để thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân. Các tỉnh, thành hội cần tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ”./.