Cuộc sống của người dân nơi đây lâu nay vốn đã quen với bão, lụt nhưng năm nay cùng lúc, bà con phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh COVID-19 và gánh chịu những hậu quả của cơn lũ dữ, càng khó khăn hơn.

Gia đình ông Lê Văn Bổn, ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa đang tập trung dọn dẹp nhà cửa sau lũ. Mặc dù cả đời gắn bó với mảnh đất này, nhưng đây là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh nước lên nhanh khủng khiếp và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với gia đình đợt lụt này. Đàn gia cầm gần 1.500 con dự định sẽ xuất bán cuối vào năm nay, giờ đây chỉ con chưa tới 100 con. Bởi nước dâng quá nhanh, cả nhà chỉ kịp bỏ của chạy lấy người, gà vịt và lợn gần xuất bán đều trôi theo dòng nước dữ.   

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19 khiến việc tiêu thụ gia cầm gặp khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, toàn bộ tiền vay mượn, ông Bổn đều dồn hết vào vụ nuôi. Ông Lê Văn Bổn thất vọng, đàn gà, vịt được từ 1,5 – 2kg/con mang theo bao hy vọng gỡ gạc lại phần nào nguồn thu nhập bị mất do ảnh hưởng dịch bệnh giờ tiêu tan theo nước lũ. 

"Bị COVID nên mình tập trung ở nhà vay, mượn để làm ăn. Lũ xuống nhanh thì không cách nào trở tay kịp"- ông Bổn nói.

Còn gia đình vợ chồng chị Đinh Thị Ngọc, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa lo sợ mưa lớn, nước ngập nên đã chủ động đưa 15 tấn lúa lên chỗ cao ngay trước khi có thông báo xả lũ. Thế nhưng, khi nước lũ rút đi, trở về nhà thì 2/3 số lúa của gia đình bị ngập sâu trong nước 2 ngày ròng rã. Nhiều bao lúa đã bị nảy mầm, hư hỏng đến mức không thể dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chị Đinh Thị Ngọc, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa nói, trắng tay sau cơn lũ dữ, cả nhà xót của, ngậm ngùi, chẳng biết kêu ai. 

"Chỗ đây là cao, nước vào thì không cách nào trở tay kịp, không còn gì hết. Nước lên nhanh không kịp làm gì. Gà, vịt bị cuốn trôi không còn gì. Nước lũ lên nhanh quá, thủy điện thông báo mà xả quá nhiều trở tay không kịp"- chị Đinh Thị Ngọc chia sẻ. 

Đã 3 ngày sau cơn lũ dữ, nhiều nơi nước rút chậm, vẫn còn hàng trăm hộ gia đình bị cô lập. Số liệu thống kê cho thấy, thiệt hại về tài sản, hoa màu do trận lũ này là rất lớn. Sinh kế của bà con nhiều tháng nay đã bấp bênh bởi dịch bệnh bây giờ lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tỉnh Phú Yên đang huy động các lực lượng giúp người dân vùng lũ sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, từng bước khôi phục giao thông, thủy lợi, ổn định đời sống người dân.

"Việc đầu tiên là chỉ đạo Sở Lao động Thương binh Xã hội thống kê về công tác an sinh xã hội mà người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ để có các giải pháp nhanh chóng phù hợp. Việc thứ hai là vụ đông xuân bị ảnh hưởng bởi 20.000 ha lúa trong vòng mười mấy ngày đến lịch gieo sạ. Hiện hệ thống kênh mương Thủy Nông Đồng Cam Bắc và Nam bị vỡ. Chúng tôi phải xử lý cấp bách phải phục hồi hệ thống nước để đáp ứng cho vụ đông xuân đảm bảo được an toàn. Nếu không làm được thì vụ đông xuân này sẽ khó khăn. Việc thứ ba là liên quan tới những thiệt hại khác chỉ đạo cho cơ quan ăn đề xuất có hướng xử lý phù hợp"- ông Nguyễn Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết./.