Tại Yên Bái, lượng mưa đo được ở một số nơi từ 19h ngày 19/7 đến 7h sáng nay (20/7) tương đối cao là: Nghĩa Lộ 55,0mm; Ba Khe (Văn Chấn) 44,2mm; xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) 56,4mm, Mù Cang Chải 45mm... Trên Ngòi Thia (địa phận huyện Văn Yên) mực nước dao động lên 45,1m và đang tiếp tục lên... Mực nước các sông suối khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đang lên nhanh do mưa to tiếp tục kéo dài, đặc biệt là các khe suối khu vực phía Tây của tỉnh.

vov_lu_1_pmbt.jpg
Nước các dòng suối trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ lên nhanh uy hiếp cuộc sống nhân dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương, toàn tỉnh Yên Bái đã có 54 ngôi nhà bị hư hỏng trong mưa lũ, trong đó có 3 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, chủ yếu ở huyện Lục Yên, huyện Văn Chấn và Trạm Tấu. Nhiều nhà dân cũng đã bị ngập nước, trong đó 11 hộ ở thị xã Nghĩa Lộ phải di dời người và tài sản, 15 hộ dân khác ở huyện Trạm Tấu có nguy cơ bị sạt lở đất gây ảnh hưởng đến đời sống…

Nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ.

 Mưa lũ cũng làm hơn 9ha lúa bị hư hỏng; sạt lở 100m kè bờ đất suối Thia tại xã Sơn A, huyện Văn Chấn; sạt lở kè bê tông và sạt bờ suối Nung dài hơn 240m; sạt lở kè suối giáp mố cầu treo bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ gây nguy cơ bị sập cầu treo…

Nước lũ làm hư hỏng lúa và hoa màu.

Về giao thông, Quốc lộ 32 từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ bị ách tắc nhiều điểm do lũ và sạt lở đất, đặc biệt là tại khu vực Đèo Ách thuộc huyện Văn Chấn; Quốc lộ 37 bị nước lũ gây ngập sâu 50cm tại km279+800.

Đất đá đã bắt đầu no nước và sạt lở xuống các tuyến đường.

Tỉnh lộ 174 (Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu) liên tục bị ách tắc do nước suối chảy và bùn tràn qua đường tại nhiều vị trí; Tỉnh lộ 166 và 172 cũng bị tắc đường ở nhiều điểm do nước lũ và nước sông Hồng lên nhanh.

Trước hậu quả do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ và các cơ quan liên quan đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, thống kê thiệt hại và động viên thăm hỏi các gia đình bị ảnh hưởng; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khôi phục nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống./.

Tại Sơn La, do ảnh hưởng của thời tiết, suốt 2 ngày qua, tỉnh Sơn La có mưa trên diện rộng. Riêng khu vực phía Đông Nam có mưa rất to và dông. Tại km 46 và km 22, tổng lượng mưa đo được là 159mm, tại huyện Mộc Châu 127mm...Lưu vực suối Nậm Pàn (huyện Mai Sơn) mực nước đã cao hơn cấp báo động I, có khả năng lên đến cấp báo động II.

Nhiều nhà dân bị ngập nước.

Theo thống kê, mưa lũ đã làm 24 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó có 12 nhà ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu bị ngập trên 1m phải di dời khẩn cấp, 12 nhà còn lại đang có nguy cơ bị sập đổ, xói trôi; gần 200 ha lúa mùa mới cấy tại một số xã của huyện Mộc Châu bị ngập trắng và cuốn trôi. Mưa lũ cũng đã làm hư hỏng hoàn toàn 50m kè bê tông chắn đất của trường Trung học cơ sở Quy Hướng, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu; Sạt lở, sập gẫy 30m kênh mương tại Tiểu khu 8, xã Chiềng Sơn, Mộc Châu...

Nhiều tuyến đường bị ngập nước.

Về giao thông, Quốc lộ 6 đoạn giao với Quốc lộ 43 (Khu Khách sạn Mường Thanh, Thị trấn Nông Trường Mộc Châu) nước tràn qua mặt đường gây ách tắc giao thông; Sạt lở khoảng 1000 m3 đất, đá trên tuyến Quốc lộ 6, khu vực bản Co Chàm, xã Lóng Luông, đoạn giáp huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tuyến tỉnh lộ 109 (từ TP Sơn La đi  huyện Mường La) sạt lở 1.800m3  đất đá; một số tuyến đường liên xã, bản ở các huyện Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ…bị sạt lở, ách tắc và cô lập do ngập nước.

Ngay khi các sự cố xảy ra, Ủy ban nhân dân các huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; Kịp thời di chuyển các hộ gia đình có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn, di chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo để hạn chế thiệt hại. Các đơn vị quản lý giao thông đã huy động máy móc, thiết bị hót sụt, sa bồi xử lý sạt lở đảm bảo giao thông, cũng như đảm bảo sản xuất và đời sống của người dân./.