Ngày mồng 1 Tết, nhiều ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An tới ngôi đền cá Ông linh thiêng để dâng hương. Đây là một nét tín ngưỡng lâu đời của người dân miền biển.

ca_ong_1_vov_uwdm.jpg
Đền cá Ông tại xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã có từ rất lâu đời, được xem là một trong những ngôi đền linh thiêng trong tín ngưỡng người dân vùng biển.

Cá Ông chính là cá voi xanh, khi gặp người bị nạn trên biển sẽ cứu sống đưa lên bờ. Bắt nguồn từ lẽ đó mà người dân quan niệm rằng cá Ông sẽ mang lại may mắn, phước lành, làm ăn phát đạt cho người đi biển. Tục thờ cá Ông từ đó trở thành tín ngưỡng lâu đời của người dân biển Quỳnh Lưu, Nghệ An; một nét văn hóa gắn liền với cuộc sống hàng ngày.

Sáng Mồng 1 Tết, hàng trăm người dân, chủ yếu là những ngư dân tại các xã vùng bãi ngang, xứ Nghệ quanh năm lênh đênh trên biển tranh thủ đến ngôi đền thờ cá Ông ở xã Quỳnh Thọ để dâng nén hương, cầu những điều bình an trong năm mới.

Sáng mồng 1 Tết, rất đông người dân chen chân dâng hương tại ngôi đền linh thiêng này.

Ngôi đền nằm sâu trong làng, đã có từ rất lâu đời, cũng như chôn cất nhiều cá Ông nhất so với các xã ven biển khác. Đằng sau ngôi đền vẫn còn nhiều ngôi mộ chôn cất cá Ông.

Theo như lời người dân thì ngôi đền vô cùng linh thiêng, không chỉ với những người đi biển mà với tất cả mọi người. Trước đây, ngồi đền không phải thờ cá Ông mà thờ vua nhà Trần, sau đó thờ cả Sát Hải tướng quân Yết Kiêu, người có biệt tài về nghề sông nước, có công đánh giặc Nguyên Mông.

Trong khuôn viên ngôi đền vẫn còn nguyên vẹn những ngôi mộ cá Ông.
Đến thời nhà Nguyễn (Đồng Khánh năm thứ nhất), cá Ông đầu tiên dạt vào đây và được nhân dân đưa vào ngôi đền tôn làm Đại Nhân ngư ông cùng thờ. Sau đó, ngôi đền được đưa vào trong làng để nhân dân tiện thờ cúng.

Năm 1942, lại có tiếp một cá Ông nữa dạt vào. Đặc biệt là lúc đó cá Ông vẫn còn sống. Người dân tìm cách đưa trở lại biển khơi nhưng cá Ông vẫn cứ quay về cửa lạch Thơi. Đến đúng ngày 17/3 thì mất. Ngư dân làng Quỳnh Thọ bèn lập lại ngôi đền ở móng cũ ngoài cửa biển, rồi thờ rước các vị ngày xưa cùng vào thờ với cá Ông. Từ đó ngôi đền tọa lạc yên ổn ở vùng đất quay mặt ra biển.

Rất đông người dân chờ để dâng lên Ngài nén hương thơm cầu bình an trong cuộc sống.
Sự việc lại tiếp tục xảy ra khiến người dân càng tin hơn vào sự thiêng liêng của mảnh đất này khi cách đây 25 năm, tức năm 1987, một cá Ông nhỏ, gọi là Tiểu Nhân Ngư hoàng Cô dạt vào và cũng được nhân dân đưa vào đền.

Hàng năm, người dân lấy ngày 17/3, chính là ngày mà cá Ông thứ hai đã về đây rồi mới mất làm ngày giỗ chung của các cá Ông. Không chỉ ở xã Quỳnh Thọ có đền thờ cá ông mà ở những xã khác như Quỳnh Long, Quỳnh Tiến... đều có những ngôi miếu và mộ thờ cá Ông. Đối với những người dân biển, nơi nào được cá Ông vào và ở lại đồng nghĩa với việc đem đến những may mắn, an lành, bình yên cho ngư dân quanh năm mưu sinh trên biển.

Bà Vũ Thị Viên có chồng con quanh năm lênh đênh trên biển nên đều đặn ngày mồng 1 đầu năm nào cũng đến thắp hương ở ngôi đền này để cầu cho mọi thành viên trong gia đình được dồi dào sức khỏe, bình an trong cuộc sống. Đặc biệt mong được Ngài phù hộ chồng con được bình an./.

Video: Dâng hương tại đề thờ cá ông nét tín ngưỡng văn hóa độc đáo của người dân miền biển.