Mê Linh là địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải lập vùng cách 28 ngày với gần 11.000 dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, sau dịch bệnh huyện Mê Linh nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép là: tập trung phòng chống dịch Covid-19 không để xâm nhập vào địa bàn và phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng. Đến nay kinh tế của Mê Linh vẫn duy trì và phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 28.235 tỷ đồng, đạt 99,3% kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng vượt bậc đứng thức 3 toàn thành phố ước đạt hơn 1.553 tỷ đồng. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước 1.806 tỷ đồng.
Nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo của huyện
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, việc triển khai chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn huyện Mê Linh.
Qua 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới 14/16 xã của Mê Linh được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện còn 2 xã Tam Đồng, Tự Lập đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND Thành phố thẩm định, xét công nhận xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020. Toàn huyện đã huy động được gần 2.000 tỷ đồng cho đầu tư triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn đã có những sự thay đổi cơ bản, khang trang, sạch đẹp đáp ứng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân; huyện cơ bản không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 trên địa bàn huyện đạt 51,6 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết: Đối với các nhóm tiêu chí huyện nông thôn mới, Mê Linh đã cơ bản đạt 7/9 nhóm tiêu chí, cụ thể là các tiêu chí: Quy hoạch; giao thông; thuỷ lợi; điện; sản xuất; an ninh, trật tự xã hội; chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Còn lại 2/9 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục và tiêu chí môi trường. Dự kiến huyện sẽ hoàn thành 2 tiêu chí này trong Quý II năm 2021 và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ công nhận Mê Linh đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2021.
Theo quy định, huyện đạt chuẩn về giáo dục phải có 60% trở lên số trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Hiện Mê Linh chỉ có 2/6 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, năm 2020, Thành phố đã bố trí vốn đầu tư 2 trường THPT dự kiến hoàn thành năm 2020.
Đối với tiêu chí môi trường, theo quy định phải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn; cơ sở sản xuất chế biến, dịch vụ thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện 14 xã trên địa bàn huyện chưa có bãi tập kết rác thải. So với tiêu chí là chưa đạt.
Sẽ xử lý triệt để rác thải, vệ sinh môi trường khi có cơ chế mới
Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn tình trạng rác thải vứt bừa bãi như hiện nay sẽ được giải quyết dứt điểm khi thành phố phân cấp giao việc đấu thầu rác về cho quận huyện. Như vậy việc tính khối lượng rác sẽ sát với thực tế hơn so với trước đây.
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân tình trạng rác thải tồn đọng thời gian qua xuất phát do khối lượng dự toán ban đầu đưa vào đấu thầu bị cắt giảm khối lượng. Những năm trước từ tổng khối lượng tính ra giá trị, trên địa bàn một huyện, số tiền rơi vào khoảng 40 - 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, kinh phí dự toán bị giảm đi một nửa dẫn đến khối lượng bị giảm. Liên quan đến việc này, vừa rồi lãnh đạo TP đã đi kiểm tra lại và cho phép được tính phát sinh khối lượng.
“Hiện nay, liên quan đến việc cấp kinh phí bù đang phải rà soát lại nguồn để bố trí. Hai là, năng lực của nhà thầu vận chuyển vệ sinh môi trường còn rất nhiều hạn chế. Những tồn tại đó lãnh đạo huyện đã biết và dành nhiều thời gian, công sức tập trung chỉ đạo thời gian qua, thậm chí thường xuyên ngày nào cũng đôn đốc”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định, giải pháp sắp tới là khá rõ ràng. Chắc chắn các giải pháp này đưa vào thực hiện sẽ khắc phục triệt để tình trạng rác thải vứt bừa bãi, không được thu gom kịp thời như hiện nay. Toàn bộ công tác đấu thầu thu gom rác thải thời gian tới Thành phố sẽ giao về cho huyện tổ chức đấu thầu, bắt đầu thực hiện từ 1/1/2021. Trên cơ sở thực tiễn kiểm tra, khối lượng rác thải trên từng tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã, liên thôn và các ngõ xóm phải đảm bảo chính xác về số km, vị trí, từ đó nhân với đơn giá Thành phố quy định. Như vậy sẽ sát với như cầu thực tiễn. Đối với Mê Linh, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo mỗi thôn, ít nhất là mỗi xã phải xây dựng được một bãi rác tập kết để trung chuyển.
“Quy hoạch nông thôn mới mỗi thôn đã có một bãi rác tập kết nhưng thời gian qua kinh phí cho việc này là chưa bố trí được, sắp tới chúng tôi sẽ tập trung giải quyết vấn đề này”, Chủ tịch huyện Mê Linh chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Mê Linh có 99 thôn, tổ dân phố, sẽ phải có 99 bãi tập kết để xử lý khi rác thu gom không vận chuyển được. Như vậy sẽ khắc phục được triệt để tình trạng xe gom rác để bừa bãi trên đường. “Trong nguyên tắc về đấu thầu xử lý rác thải, chúng tôi đưa ra tiêu chí không được để xe rác trên đường kể cả xe nhỏ và ô tô chở rác. Như vậy sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải tại những địa điểm công cộng khi xảy ra tình trạng như bãi rác Nam Sơn bị chặn, rác ứ đọng khoảng 3-5 ngày, không có bãi rác tập trung thì người ta buộc phải đổ ra nơi công cộng. Tôi tin rằng, với những giải pháp sắp tới, câu chuyện rác để bừa bãi sẽ được giải quyết triệt để. “Thành phố cho một cơ chế đấu thầu để huyện chủ động và chịu trách nhiệm trước Thành phố. Đây là một sự điều chỉnh rất kịp thời tạo điều kiện phân cấp cho các quận, huyện chủ động và chịu trách nhiệm về xử lý rác thải tại địa phương”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh./.