Trở về nhà trên đôi nạng gỗ, nhưng trong lòng nữ thanh niên xung phong Biện Thị Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM lại thấy tự hào và thanh thản hơn bao giờ hết, vì đã trả được nợ nước, thù nhà.
Là con gái út trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha và hai anh trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1970, khi ấy mới tròn 20 tuổi, cô Mỹ tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ngay tại vùng “đất Thép” quê mình. Hành trang của người con gái ấy là mối thù nhà, nỗi đau của người dân mất nước và nguồn sức mạnh được truyền từ người mẹ đã 4 bốn lần tiễn chồng và các con đi chiến đấu. Do vậy, dù phải để một phần thân thể và cả tuổi xuân lại chiến trường, thì cô Biện Thị Mỹ vẫn thấy sự hy sinh của mình còn chưa đủ.
Sau chiến tranh, dù mang trong mình thương tật nặng, nhưng cô Mỹ đã vượt lên số phận, làm tròn trọng trách là người vợ, người mẹ, và nuôi dạy các con khôn lớn, thành đạt. Cô Biện Thị Mỹ tâm sự: “Tôi luôn nghĩ người thương binh như mình càng phải cố gắng vượt lên, vì như người ta nói là: mạnh thì dùng sức, yếu thì dùng thế. Tôi luôn động viên bản thân: chỉ cần còn đầu óc và hai bàn tay thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Hiện nay, đời sống gia đình tôi đã khá hơn trước, tôi mua được gần 2 mẫu ruộng, có trại chăn nuôi và xây được ngôi nhà 160m2. Lúc rảnh tôi thường kể chuyện gia đình từ đời cha ông theo Cách mạng cho con cháu, và giáo dục con cháu noi gương ông bà, bố mẹ, nhất là tấm gương đạo đức của Bác Hồ.”
Sinh ra và lớn lên trên tuyến lửa Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, năm 1982, anh Trần Hữu Lưu tình nguyện lên đường nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Tưởng may mắn đã mỉm cười khi anh Lưu trở về lành lặn, nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn ám ảnh bởi chất độc da cam. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng khi được đơn vị thông báo nhận nhiệm vụ mới là quy tập hài cốt liệt sỹ trên đất bạn Lào, anh Lưu vẫn sẵn sàng. Ròng rã hàng tháng trời, để lại sau lưng người vợ trẻ với 2 con quanh năm đau ốm; khoác balô lên vai, anh Lưu và chiến sỹ trong đội quy tập hài cốt liệt sỹ đã trải qua biết bao khó khăn, lúc lửa rừng khi bão lũ, lúc hết lương thực khi cạn nước uống giữa mênh mông núi rừng trên đất Lào. Dù phải nếm trải bao nhiêu khổ cực và chôn giấu trong lòng nỗi buồn riêng, anh và đồng đội luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để góp phần làm giảm nỗi đau mất người thân của các gia đình liệt sỹ. Trong 15 năm, Đội 584 do anh làm Đội trưởng, đã quy tập được hơn 2.000 hài cốt liệt sỹ tại Lào và hơn 500 hài cốt liệt sỹ trong nước. Đồng thời, còn giúp đỡ nhân dân Lào sửa chữa đường, xây nhà, phát rẫy và khám, cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con.
Anh Trần Hữu Lưu cho biết: “Trong những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế, không may tôi bị nhiễm chất độc da cam nên khi sinh 2 cháu thì cũng bị nhiễm chất độc, cháu lớn bị mất trí, cháu nhỏ phải nằm một chỗ. Tôi thì đi công tác xa, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, mọi việc trong nhà đều do một tay người vợ tảo tần, bà con lối xóm và anh em đồng đội giúp đỡ. Khó khăn như thế, nhưng mình nghĩ là hiện nay có hàng vạn người đã đổ xương máu, hy sinh vì độc lập tự do và suốt đời cống hiến cho Tổ quốc nên tôi phải chấp nhận gạt đi những khó khăn riêng để nhận nhiệm vụ.”
Từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp ban đầu từ việc phụ giúp anh trai cân nhôm phế liệu, thương binh 1/4 Trần Quang Khải đã mạnh dạn mở cơ sở sản xuất vành xe đạp Đồng Tiến với số vốn ít ỏi tích lũy được và vay mượn bạn bè. Bằng quyết tâm, nghị lực của bản thân, và sự tìm tòi, sáng tạo, ông Khải đã tự chế tạo ra máy ép thủy lực thay thế sức người để hỗ trợ sản xuất mặt hàng khung nhôm; dựng thành công dàn máy tráng kẽm thay cho máy nhập từ nước ngoài, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Đến nay, sau gần 15 năm, ông Khải đã xây dựng được hai nhà máy luyện phôi thép ở Vũng Tàu và TP HCM, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó có 20 người là cựu chiến binh, thương binh, và con gia đình chính sách.
Không chỉ có vậy, Công ty TNHH Thép Đồng Tiến của ông Khải còn tham gia xây dựng nhà tình nghĩa, làm đường, lập quỹ khuyến học và quỹ xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Theo ông Khải, lời dặn của Bác Hồ cộng với những tháng ngày vất vả, gian lao trong quân ngũ đã giúp ông kiên trì, không đầu hàng trước khó khăn để có được thành công như ngày hôm nay: “Khi từ quân ngũ trở về, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đã cố gắng học hỏi bạn bè, quyết chí vươn lên làm giàu. Khi khởi nghiệp đồng vốn không có, nhưng với người lính thì mọi khó khăn cũng là chuyện bình thường, chỉ cần có quyết tâm vượt qua là được thôi.”
Những việc làm thầm lặng nhưng cao cả của anh Lưu và đồng đội; ý chí “tàn nhưng không phế” của cô Mỹ; sự vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương và đất nước của chú Khải; và còn rất nhiều những việc làm có ý nghĩa của thương binh, bệnh binh trên khắp mọi miền đất nước… là minh chứng rõ nhất cho bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế” – một phẩm chất luôn ngời sáng trong mọi hoàn cảnh của anh Bộ đội Cụ Hồ./.