Ngày mai (21/2) là người dân bắt đầu đi làm trở lại nên từ hôm nay (20/2), tại các bến xe, tuyến đường ở Hà Nội cũng đông đúc trở lại.

Từ khoảng 10h sáng nay, tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, mật độ xe đưa đón người dân đông hơn.

Theo quan sát của phóng viên, cứ khoảng 10 phút là có khoảng 3 xe khách từ các tỉnh cập bến xe Mỹ Đình. Mỗi xe có khoảng 50 hành khách.

Mặc dù lượng khách đông nhưng người dân đã biết chia ra từng nút giờ khác nhau để lên Hà Nội cho đỡ ùn tắc và không bị nhồi nhét, “chặt chém” khi đi xe.

anh_2_htrh.jpg

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc đổ về thủ đô Hà Nội sau Tết Nguyên đán

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát, lượng hành khách tại bến xe dịp trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 50% so với những năm trước.

Hành khách từ các địa phương về Hà Nội trải đều từ khoảng mùng 2 Tết, không gây áp lực lớn cho bến xe những ngày cận kề kết thúc đợt nghỉ lễ.

Theo đó, dịp Tết, bến xe vẫn phải điều động xe tăng cường, nhưng số lượng không lớn, chỉ khoảng trên dưới 100 xe.

Ông Tùng lý giải, sở dĩ áp lực bến xe năm nay vào dịp Tết giảm do người dân có xu hướng sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân cao để tiện đi lại khi về quê ăn Tết.

Bên cạnh đó, sự tăng mạnh về số lượng của các xe hợp đồng, đưa đón tại các khu công nghiệp, trường học, xe dù cũng là lý do khiến các bến xe năm nay rơi vào cảnh “vắng lạ” so với những năm trước.

Từ trưa 5 Tết (20/2), mật độ giao thông tại các tuyến phố đã đông trở lại.

Tại bến xe Giáp Bát, chị Nguyễn Thị Thúy, đi chuyến xe từ quê huyện Thiệu Sơn, Thanh Hóa lên Hà Nội không đông như mọi năm, mỗi người một ghế, nhưng giá vé thì “chát” hơn so với ngày thường.

“Thường ngày vé xe chỉ 150.000 đồng, nhưng vào ngày này đã tăng lên thành 200.000 đồng/lượt. Hầu hết các xe đều tăng giá vé, nên chỉ còn cách chấp nhận”, chị Thúy cho biết

Theo ghi nhận, xe khách từ một số địa phương khác như Nam Định, Hà Nam lên Hà Nội giá vé cũng tăng từ 30.000-50.000 đồng/lượt so với ngày thường.

Về tình trạng tăng giá vé dịp Tết, ông Tùng cho biết, có 12 đơn vị tại bến xe Giáp Bát thực hiện tăng giá vé xe từ 16-60% so với ngày thường.

“Mức tăng này đã được các Sở, ban ngành thông qua. Với chiều đi từ bến xe, chúng tôi vẫn có kiểm soát nghiêm ngặt về giá vé, tránh tình trạng "bóp giá" ngày Tết, đảm bảo thu vé xe đúng quy định. Đối với chiều ngược lại, việc đảm bảo bình ổn giá vé xe do các bến xe tại địa phương chịu trách nhiệm”, ông Tùng cho biết thêm.

Hành khách mua vé tại bến xe Mỹ Đình 

Tuy nhiên không phải tuyến xe nào giá vé cũng tăng, ông Đỗ Văn Thành, lái xe khách tuyến Hà Nội-Tuyên Quang cho biết: “Nếu trong ngày thường, mỗi vé xe là 150.000 đồng thì trong ngày mùng 5 Tết, dù lượng khách đông nhưng nhà xe vẫn lấy giá như vậy. Mỗi chuyến đi, xe chứa khoảng 48-50 người. Hôm nay, khách đông nhưng không có chuyện nhà xe “chặt chém” giá cả, thả khách dọc đường. Hành khách cũng nhường nhịn nhau chỗ ngồi nên không có chuyện khách bị đứng quá lâu”.

Là hành khách đi chuyến Yên Bái-Hà Nội về, anh Nguyễn Ngọc Hanh cho biết: “Ngày mai là ngày đi làm chính thức nên hôm nay, người dân bắt đầu di chuyển lên Hà Nội. Dù người dân đi đông nhưng giá vé không đắt hơn so với ngày thường, vẫn là 170.000 đồng/vé. Tôi và vợ đi chuyến Yên Bái –Hà Nội từ lúc 5h sáng để tránh xe quá đông và cũng để chiều tối nghỉ ngơi cho ngày mai đi làm. Có thể tôi đi sớm nên trên xe không thấy có cảnh ép giá khách hay nhồi nhét, thả khách giữa đường”.

Về Hưng Yên từ ngày 26 Tết, hôm nay, bà Đặng Thị Hiên và con gái, cháu nhỏ mới lên Hà Nội.

“Biết là ngày hôm nay rất nhiều người lên Hà Nội để ngày mai đi làm nên tôi đã chủ động mua vé ô tô từ sớm nên 10h sáng nay, tôi cùng con gái và cháu nhỏ đã có mặt tại bến xe Mỹ Đình. Mặc dù mang vác nhiều đồ đạc nhưng tôi cảm thấy không mệt, không bị quá tải trên xe vì đã chủ động đi sớm”, bà Đặng Thị Hiên chia sẻ.

Hành khách lấy đồ đạc tại bến xe khách Mỹ Đình

Trong giờ cao điểm từ 9h-14h ngày 20/2, ở các bến xe đã bắt đầu đông khách trở lại. Trên các tuyến phố từ Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Láng Thượng cũng đông hơn ngày thường. Các phương tiện đi lại bắt đầu dày đặc hơn. Thỉnh thoảng có nơi bị ùn tắc cục bộ nhưng nhanh chóng được giải tỏa./.