Nghe chi tiết tại đây:
Đầu tháng 7/2021, sau khi vừa hoàn thành 14 ngày cách ly tại nhà vì vô tình trở thành F1 tại nơi làm việc, chị Nguyễn Thị Anh Đào (ngụ chung cư 4S Linh Đông, thành phố Thủ Đức) đăng một mẩu tin lên các hội nhóm nơi mình sinh sống hỏi mượn nồi niêu xoong chảo để chuẩn bị mở bếp từ thiện tại gia.
Không lâu sau, chị nhận được rất nhiều cuộc gọi lẫn tin nhắn đáp lời vượt xa mong đợi. Chỉ từ cái rổ, nồi cơm đến đôi cân thịt, vài chục trứng ban đầu…mà Bếp thiện nguyện của chị Đào và hàng xóm đã cho ra đời gần 6000 suất ăn trong vòng chưa đầy 3 tháng.
Nhớ lại những ngày tháng nhiều mới mẻ nhưng cũng đầy cam go đó, chị Đào tỏ ra bồi hồi: "Chúng tôi không phải người làm từ thiện chuyên nghiệp, cũng không phải nấu ăn chuyên nghiệp nên khó khăn nhất là phải tập trung toàn bộ sức lực cho chuyện đó. Có những thời điểm mọi người lo lắng rằng ngoài kia dịch bệnh nhiều quá mà cứ ra vô như vậy thì rất nguy hiểm trong khi gia đình thì có người lớn tuổi.
Sợ thì ai cũng sợ nhưng mọi người đều nghĩ nếu ai cũng sợ thì ai sẽ là người làm, ai sẽ là người giúp đỡ những người khác nên là gạt bỏ nỗi sợ qua 1 bên và cố gắng. Em thấy khi mình kêu gọi vậy thì mới hiểu những người hàng xóm mình rất có tâm, rất muốn chung tay để giúp đỡ cộng đồng".
Một trong những hàng xóm và cũng là mạnh thường quân tích cực của Bếp thiện nguyện chung cư 4S là chị Lê Thu Bảo Vân cùng nhóm từ thiện Chia sẻ yêu thương.
Không chỉ góp lửa cho bếp ăn mà chị Vân cùng anh em tình nguyện viên trong chung cư đã vượt qua rất nhiều khó khăn để chuyển hàng chục tấn thực phẩm thiết yếu cho bà con khó khăn tại các khu cách ly phong tỏa. Rất nhiều thời điểm tưởng chừng phải dừng lại, song họ đã chọn cách tự động viên nhau để bước tiếp:
"Khi nghe đồng đội bạn bị nhiễm, trở nặng thậm chí ra đi thì thực sự thời gian đó rất căng thẳng, cũng có vài ý kiến hay thôi tạm dừng vì sự an toàn của tất cả mọi người nhưng rồi cố gắng động viên nhau để vượt qua nỗi sợ đó và tiếp tục làm. Cứ làm rồi quên, không nghĩ tới không nhớ tới sự nguy hiểm đó nữa cho đến khi tối về mới nghĩ tới bạn đó hay bản thân mình chưa được tiêm thì mới thấy sợ, nhưng sáng hôm sau lại lao vào làm rồi lại quên", chị Vân tâm sự.
Bình an đi qua những ngày Sài gòn đầy giông bão nhưng khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách thì anh Phạm Lâm Triều và một số anh chị em thành viên Bếp thiện nguyện lẫn nhóm từ thiện tại chung cư 4S Linh Đông không may nhiễm bệnh. So với nỗi sợ những ngày đỉnh dịch thì giờ đây, trải nghiệm “được dương tính với COVID” với họ lại là một sự may mắn:
Anh Phạm Lâm Triều chia sẻ: "Việc mình nhiễm COVID khi đã qua giai đoạn khó khăn của Sài Gòn đã tạo ra một ý chí khác hẳn so với thời gian đầu chưa có thuốc chưa có vaccine. Chắc chắn trong chúng ta sẽ có người tiếp xúc và nhiễm bệnh nhưng cái tinh thần là tất cả. Bản thân mình phải luôn luôn giữ gìn, phải duy trì sức đề kháng để vượt qua, con virus này cũng không có gì phải quá sợ hãi".
Từ những ngày tháng tình nguyện đi vào tâm dịch để rồi không may nhiễm bệnh khi đỉnh dịch qua đi, anh Phạm Lâm Triều cho rằng Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung rồi cũng sẽ được chữa lành trước COVID-19 nhờ vào “quy luật tạo kháng thể”. Tuy vậy, việc mỗi chúng ta lựa chọn tâm thế phù hợp để thích ứng mới là điều quan trọng:
"Bản thân mỗi người khi nhiễm bệnh và vượt qua chứng bệnh bằng việc tạo ra những kháng thể. Và chính Sài Gòn cũng sẽ tạo ra cho mình những kháng thể để sau này dù có những đợt nhiễm bệnh khác cũng sẽ có sức mạnh để vượt qua. Sài Gòn cũng đã có nhiều bài học đau thương thì chắc chắn rằng lãnh đạo và người dân Sài Gòn sẽ có những biện pháp khắc phục để không phải chịu thêm một lần đau thương nào nữa", anh Triều nói.
Ký ức về những tháng ngày khốn khó của Sài Gòn khi đối diện với đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 chắc chắn sẽ còn khiến nhiều người nhớ mãi. Và tôi tin rằng, trong những hồi ức về giai đoạn khốc liệt nhất của Sài Gòn sẽ không thiếu những tấm gương tình nguyện đi vào tâm dịch để trao đi yêu thương, sẻ chia khốn khó./.