Tối 18/2, tại Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm 15 năm Giải thưởng kiến trúc Quốc gia & Lễ trao giải thưởng kiến trúc năm 2008.
Giải thưởng kiến trúc Quốc gia được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1994, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, các tác phẩm - công trình kiến trúc. Trải qua 15 năm với 8 kỳ giải thưởng (2 năm 1 lần), giải thưởng kiến trúc Quốc gia đã trở thành một hoạt động truyền thống của giới kiến trúc sư và là một sự kiện văn hoá được dư luận xã hội quan tâm.
Công trình “Bar Gió và Nước” - giải nhì (KTS Võ Trọng Nghĩa và cộng sự) |
Giải thưởng kiến trúc 2008 đã quy tụ được 114 tác phẩm tham dự. Hội đồng giải thưởng đã trao 10 giải nhì (không có giải nhất), 16 giải ba và 08 giải thưởng Hội đồng cho các tác phẩm.
Công trình “Cao ốc căn hộ cao cấp” - Giải nhì (KTS Trần Song Sơn) |
Giải thưởng kiến trúc 2008 đã cho thấy một diện mạo mới của kiến trúc Việt Nam, với những sáng tạo mang hơi thở thời đại, xu hướng kiến trúc hiện đại; và mang dấu ấn của một thế hệ kiến trúc sư trẻ đầy năng động và táo bạo. Dẫu rằng vẫn còn những hạn chế nhất định và chưa tìm kiếm được tác phẩm xuất sắc (không có giải nhất), nhưng kết quả phần nào đã hé lộ một tương lai sáng sủa hơn cho kiến trúc nước nhà, như lời phát biểu của KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại lễ khai mạc: “… Chưa thật nhiều những thành tựu nổi bật, chưa có nhiều các tác phẩm đồ sộ, hoành tráng; nhưng rõ ràng một cái nhìn mới, một xu hướng sáng tạo mới đã bộc lộ…”
Giải thưởng lần này đã cho thấy một cách nhìn mới rất đáng ghi nhận của Hội đồng giải thưởng: Loại bỏ đi rất nhiều tính cơ cấu nặng nề, tôn vinh nhiều kiến trúc sư trẻ, tôn vinh những công trình quy mô không lớn, những công trình vật liệu rẻ tiền, thậm chí có công trình chỉ “tạm thời”… Có thể thấy điều đó qua các công trình: Bar Gió và Nước (Giải nhì), Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tý 2008 (Giải nhì), M House (Giải ba), Nhà di động (Giải thưởng Hội đồng)… Tất cả những nỗ lực nhiều chiều đó đều nhằm hướng tới một nền kiến trúc hiện đại có bản sắc, và góp phần tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội về kiến trúc và vai trò của kiến trúc sư./.