Sau 5 năm thực hiện, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên chính sách này vẫn còn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ. Đây là nội dung cuộc Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm thất nghiệp - Bảo vệ quyền lợi người lao động” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (28/2) tại Hà Nội.

bao-hiem.jpg
Tọa đàm trực tuyến "Bảo hiểm thất nghiệp - Bảo vệ quyền lợi người lao động"

Đến nay, cả nước có khoảng 1,5 triệu người đăng ký tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 1,3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này gồm: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, được chi trả bảo hiểm y tế trong thời gian mất việc.

Trong số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có hơn 80% được hỗ trợ tư vấn cung cấp thông tin về thị trường lao động, giới thiệu việc làm; trên 17.000 người được học nghề. Tuy nhiên, số người học nghề tìm việc mới chiếm tỷ lệ nhỏ, nhiều người lao động đến nhận tiền Bảo hiểm thất nghiệp mà bỏ qua các hỗ trợ khác như hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm. 

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của tình trạng này là thời gian hỗ trợ ngắn, mức hỗ trợ còn ít, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông thì có tâm lý muốn tìm ngay việc làm mới để có thu nhập, nên bỏ qua khâu học nghề. Còn theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Các doanh nghiệp thiếu lao động nhưng lại tự tuyển, còn các trung tâm giới thiệu việc làm – ngân hàng việc làm thì “rỗng”, không có nhiều việc.  Do đó cần chú ý lợi ích 2 bên để cung- cầu lao động được hài hòa. Giữa cung và cầu lao động cần phải ngồi lại với nhau để có thông tin chính xác về việc làm. Như vậy cung -cầu gặp nhau, trung tâm giới thiệu việc làm có nhiều lựa chọn cho người lao động”.

Liên quan đến việc quản lý quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người đặt câu hỏi, với số lượng người đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, liệu quỹ có mất cân đối? Bà Hoàng Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trách nhiệm thu chi và sử dụng quỹ đảm bảo công khai minh bạch. Hiện số dư của quỹ ở mức an toàn, về lâu dài vẫn đảm bảo đủ chi trả cho người hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là tình trạng nợ đọng Bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết năm 2013, các doanh nghiệp còn nợ hơn 307 tỷ đồng tiền Bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên nhân là tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm để đầu tư sản xuất. Ngoài ra còn do chế tài chưa nghiêm.

Bà Hoàng Thị Kim Dung kiến nghị: “Cần có giải pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng nợ đọng bảo hiểm. Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa được giao chức năng xử phạt. Bảo hiểm Việt Nam đề xuất xử phạt tăng 2 lần lãi vay ngân hàng và giao cơ quan Bảo hiểm xã hội có chức năng thanh tra, xử phạt doanh nghiệp trốn đóng hoặc chậm đóng Bảo hiểm thất nghiệp; kiến nghị xử lý hình sự và khởi kiện doanh nghiệp kéo dài…"./.