Sáng 8/1, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội phối hợp với Viện FES của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc tham vấn về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

bhxh.jpg
Hội thảo góp ý Dự án Luật BHXH (sửa đổi)

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, sau 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thi hành Luật Bảo hiểm xã hội cho thấy, một số quy định, chính sách trong Luật cần được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ đạt 78% tổng số lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Do vậy, theo các đại biểu, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 29% dân số, chiếm 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đòi hỏi cần có lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu từng năm, đồng thời phải sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện để chính sách này hấp dẫn hơn với người lao động.

Bà Trần Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong Dự thảo Luật lần này đưa ra hai nhóm mới đó là hợp đồng lao động dưới 3 tháng. Hiện nay chúng ta đang quy định với hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Nhưng trong Dự thảo luật này hợp đồng lao động dưới 1 tháng, nghĩa là có hợp đồng lao động là thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng có lộ trình thực hiện từ 2018 trở đi khi có sự gắn kết giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp sẽ triển khai với đối tượng này. Nhóm đối tượng thứ 2 nữa đó là người nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam”./.