Chiều nay 24/12, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông báo tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý 4 năm 2013 và thực hiện giá dịch vụ y tế mới.

Đến hết tháng 11 năm nay, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 141.350 tỷ đồng. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm trên 60 triệu người, đạt 98% kế hoạch đề ra.

bao-hiem.jpg
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam họp báo cung cấp thông tin bảo hiểm xã hội,bảo hiểm y tế quý 4 năm 2013

Tổng số tiền nợ bảo hiểm là trên 10.600 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới 1 tháng là trên 1.000 tỷ đồng; nợ trên 6 tháng là hơn 3.200 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng số nợ bảo hiểm xã hội.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng nhanh là do kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc của chủ doanh nghiệp và người lao động vẫn còn hạn chế, nhất là khu vực tư nhân.

Về các biện pháp khắc phục tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các tỉnh đôn đốc thu hồi nợ. Những đơn vị nào cố tình chây ỳ, không tham gia thu nộp thì chỉ đạo các địa phương kiên quyết thực hiện để thu hồi số tiền này. Hàng tháng, chúng tôi đôn đốc các tỉnh, thành phố tăng cường khai thác mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để đẩy mạnh tiến độ thu. Đặc biệt là theo dõi và phân tích các khoản nợ để có giải pháp thu hồi cho hợp lý. Các địa phương hàng tháng phải thông báo số tiền phải đóng và số nợ đọng cho các đơn vị sử dụng lao động, để yêu cầu họ thực hiện việc đóng và trả nợ cho kịp thời”.

Tại buổi họp báo, các đại biểu cũng nghe báo cáo đánh giá một năm triển khai thực hiện giá dịch vụ y tế mới. Tính đến hết tháng 11/2013, có 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giá dịch vụ y tế mới; 6 tháng đầu năm 2013, chi phí tăng thêm do áp dụng giá dịch vụ y tế mới là 2.250 tỷ đồng. Trong đó, 12 địa phương có tỷ lệ chi tăng thêm trên 30%, cao nhất là Ninh Thuận (gần 49%); Quảng Nam (trên 40…/.