Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng 30% nhu cầu. Thực tế cho thấy, trước tốc độ phát triển khu đô thị công nghiệp tăng nhanh thì nhu cầu về nhà ở của người lao động cũng tăng theo. Song, vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc. Vậy, làm sao tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân?
5 năm rời quê ra Thủ đô làm việc, vợ chồng anh Hà Văn Nam, quê ở Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH công nghệ cao Micro One, Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội, cũng là từng đấy năm vẫn thuê nhà trọ. Hàng tháng, nỗ lực tăng ca để tăng thu nhập thì tổng tiền lương của vợ chồng anh cũng chỉ được khoảng hơn 15 triệu. Trong đó, riêng tiền thuê nhà đã tốn hơn 2 triệu, cùng với chi phí sinh hoạt hàng tháng và tiền học của con, nếu không thành viên nào ốm đau thì mỗi tháng gia đình để dành được khoảng 4 triệu.
Anh Hà Văn Nam tâm sự: "Ai cũng mong ước ra đây lập nghiệp, mua được cái nhà để có chỗ che nắng che mưa. Nhưng với mức lương này thì chắc cũng khó. Mong muốn Nhà nước xây nhà giá rẻ cho vợ chồng con nhỏ công nhân ở được. Rồi quan tâm có chính sách Nhà nước vay 20 năm, lãi suất…".
Còn với chị Bùi Thị Huyền Trang, công nhân Công ty TNHH Sowa Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì dù có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng phần lớn là đều xa nơi làm việc, nên đành thuê trọ.
"Có tiền cũng không muốn mua nhà ở xã hội mà xa chỗ làm. Vì ở xa thì tốn tiền xăng, thời gian đi lại… chứ nhà ở gần chỗ mình làm thì đi lại thuận tiện hơn, đỡ vội, tốn ít thời gian đi lại vì mình làm ca, mà tăng ca thì cũng hơi vất. Mong muốn là xây nhà ở cho công nhân ở gần khu công nghiệp gần công nhân, sạch sẽ, an toàn", chị Bùi Thị Huyền Trang chia sẻ.
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng mong muốn là mua được nhà ở xã hội với chính sách hỗ trợ trả dài hạn, phù hợp với mức dành dụm mỗi tháng của họ và đặc biệt là gần nơi làm việc. Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, cả nước đã hoàn thành 275 dự án, với 147.000 căn hộ và đang triển khai 339 dự án, với quy mô hơn 370.000 căn hộ. Tuy nhiên, trước nhu cầu lớn về nhà ở của người lao động có thu nhập thấp hiện nay thì chưa đáp ứng như kỳ vọng. Trong đó có nguyên nhân nhiều địa phương chưa quan tâm dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Về phía doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, xây dựng nhà ở xã hội thường có lợi nhuận thấp và để xây dựng một dự án nhà ở xã hội từ khi làm thủ tục tới khi hoàn thành phải mất 5 năm.
"Về thuế, đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê, chúng tôi được giảm 70% thuế giá trị gia tăng, nhưng luật thuế không có khoản này. Hay tiền chậm nộp chẳng hạn, không được hưởng ưu đãi mà chúng ta bị phạt luôn đó cũng là một thiệt thòi. Chúng ta không giải quyết được câu chuyện đó, khi doanh nghiệp làm một lần nhà ở xã hội và sau đó có nhiều rắc rối khó khăn thì họ sẽ không làm dự án thứ 2", ông Lê Hữu Nghĩa cho hay.
Theo các doanh nghiệp, hiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ mạnh; nhiều thủ tục còn phiền hà như: Các dự án nhà ở xã hội vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến doanh nghiệp khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua chậm chễ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: "Chỉ tiêu về quy hoạch đối với nhà ở xã hội, được tăng 1,5% về hệ số sử dụng đất, về mật độ xây dựng. Nhưng trong thực tế để đáp ứng chỉ tiêu này các cơ quan đẩy qua đẩy lại, chúng tôi vất vả. Hay chúng ta thấy quy trình thủ tục về nhà ở xã hội rất phức tạp. Bộ Xây dựng tới đây nên nghiên cứu đề xuất của hiệp hội để xây dựng có quy trình thủ tục xây nhà ở đơn giản. Như thứ nhất là chấp thuận chủ trương đầu tư, duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, giao thuê đất và cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp. Thì sẽ rút ngắn được nhiều thời gian, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan sở ngành".
Trước thực tế các dự án nhà ở xã hội thường xa nơi người lao động làm việc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần thiết có thêm nhiều các dự án xây nhà cho người lao động mua hoặc thuê với giá rẻ, gần các khu công nghiệp, nơi làm việc của họ để thuận tiện hơn trong cuộc sống và công việc.
Nhiều nơi khu nhà ở xa khu công nhân, do công tác quy hoạch của chúng ta trước đây và công tác giám sát kiểm tra kém dẫn tới nhiều nơi đất ở KCN đã lấp đầy bằng các doanh nghiệp không còn quỹ đất cho nhà ở, do vậy phải chấp nhận xây nhà ở xa hơn. chúng tôi đã biết điều đó và có những kiến nghị trực tiếp với Chính phủ và các cơ quan chức năng. Cùng với đó chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ dành nguồn lực trong chương trình đầu tư công, để tập trung xây dựng nhà ở.
Cuối tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11, trong đó, có mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 2 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đó là gói 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với các cá nhân, hộ gia đình thông qua ngân hang chính sách xã hội. Còn doanh nghiệp sẽ được vay vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội với mức lãi xuất 2% một năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Để triển khai tốt 2 gói hỗ trợ này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: "Bộ đã xây dựng đã ban chương trình hành hành động tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn; Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt, hỗ trợ cho người mua nhà ở, nhà ở cho công nhân, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Đồng thời, có văn bản đôn đốc các địa phương vào cuộc rà soát các quỹ đất, sớm lựa chọn đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới. Đặc biệt, chúng tôi đang đề nghị giải pháp hạ được giá thành đầu tư, để người lao động, người nghèo đô thị tiếp cận với mức giá phù hợp".
Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh bố trí nguồn vốn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, sửa đổi thống nhất quy định về xây dựng nhà ở tại các luật liên quan, nhằm huy động nguồn lực xây dựng từ các nhà đầu tư. Các địa phương sửa đổi, bổ sung chương trình kế hoạch phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân./.