Nhà ở xã hội tiền tỷ, người lao động khó mua
Làm tài xế GrabBike được 6 năm, chị Lâm Kiều Thanh, ngụ quận 6 chia sẻ, hai vợ chồng cùng nghề nên thu nhập không ổn định, may mắn lắm cũng chỉ đủ nuôi bốn miệng ăn, lo cho 2 con ăn học. Hiện, cả gia đình chị vẫn phải sống cùng mẹ trong căn nhà nhỏ. Không có tiền tích lũy, chị Thanh cũng không dám nghĩ đến việc mua nhà, cho dù là nhà ở xã hội mua trả góp.
“Tôi chạy Grab, thu nhập không ổn định. Nghề của mình làm bữa nào xào bữa đó, nếu đưa trước mấy trăm triệu thì chắc chắn không có. Nếu muốn giúp đỡ người nghèo để có một tổ ấm nho nhỏ thì trả dần hàng tháng còn khả thi hơn. Mình biết là khi mua nhà cũng phải có một số tiền kha khá nhưng do mình không có nên cũng không quan tâm”, chị Thanh nói.
Có thể thấy, giá trị một căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội vẫn đang nằm ngoài tầm với của số đông người lao động. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trước năm 2019, giá thành căn hộ không vượt quá 16 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, khi giá cả đều tăng lên thì giá trị căn hộ ở mức trên 20 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng/căn. Trong khi người lao động chỉ có thể để dành khoảng 20-25% thu nhập, tương ứng 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tháng để mua nhà. Như vậy, nếu một căn hộ giá 1 tỷ đến 1,6 tỷ đồng thì thời gian trả góp sẽ kéo dài, trong khi quy định cho trả góp một căn hộ chỉ 15 năm. Với số tiền vay tối đa 900 triệu đồng, số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu?
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, việc này cần có các chính sách từ phía người sử dụng lao động cũng như hỗ trợ từ các nhà đầu tư: “Hiện nay, Sở Xây dựng về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi có đề ra liên quan đến việc rút ngắn thủ tục, đề xuất các cơ quan cấp trên dành quỹ đất thì có thể làm được, nhưng còn chính sách hỗ trợ về kinh phí từ phía các đơn vị sử dụng lao động thì chúng tôi đề nghị và đặc biệt là các định chế tài chính về chính sách xã hội của Ngân hàng chính sách xã hội”.
Trong định hướng phát triển nhà ở từ nay đến năm 2025, TP.HCM đã ban hành Quyết định 4151 vào tháng 12/2021, xác định rõ trong giai đoạn này, chỉ tiêu phát triển 47 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 10 dự án sử dụng quỹ đất 20%, tức là những dự án bắt buộc trên 10 ha, chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, với diện tích 2,5 triệu m2 sàn trở lên, tập trung chủ yếu ở các quận: 7, 12, Bình Tân và thành phố Thủ Đức; các khu vực trong nội thành hiện hữu có 2 dự án. Ngoài ra khu vực nội thành cũng khuyến khích ở các huyện đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội với 8 dự án, tổng cộng trong giai đoạn này là 35.000 căn hộ.
Chính sách nhà thuê dành cho công nhân lao động
Nguồn cung nhà ở xã hội tăng là điều đáng mừng, tuy nhiên, để có thể “chạm tay” vào là cả một vấn đề, bởi giá nhà hiện nay vẫn còn ở mức cao, trong khi thu nhập của người lao động còn thấp.
Bà Phan Thị Mai Hà, giảng viên Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM tâm tư, với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, số tiền 300 - 500 triệu để mua nhà cũng là điều nan giải: “Làm giảng viên thì công việc của chúng tôi là kỹ sư tâm hồn nhưng kinh tế rất eo hẹp. Tôi công tác giảng dạy hơn 20 năm, nhưng tiết kiệm để mua được nhà là điều rất khó, đến thời điểm này chưa làm được, cũng ở nhờ ba mẹ. Rất mong là có một quỹ để cho chúng tôi thuê nhà”.
Thực tế, để sở hữu một căn nhà ở xã hội rất khó và tùy trường hợp. Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM cho biết, các công nhân ở khu vực trình độ ngành nghề cao, lương cao thì với tích lũy của họ và hỗ trợ từ gia đình có thể trang trải tiền mua nhà. Tuy nhiên, phần lớn công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp quê ở các tỉnh rất khó xoay sở.
“Qua khảo sát trong công nhân của Khu, tôi thấy rằng, nên chăng có chế độ hỗ trợ về cho thuê nhà với mức hợp lý để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm trong cuộc sống”, bà Vũ Thế Vân bày tỏ.
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, qua khảo sát mới đây của công đoàn, thấy rõ nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động rất lớn. Hiện, có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này, chỉ gần 40.000 công nhân sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp. Hầu hết người lao động thuê trọ trong những căn phòng diện tích trung bình 14 m2, giá thuê trung bình 1,6 triệu đồng/tháng, khoảng 4 người cùng ở. Nhiều người cho biết họ dành 10-15% thu nhập chi trả tiền thuê nhà.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TP.HCM xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân là thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả dần hàng tháng để mua nhà ở xã hội.
Bà Thúy đề xuất: “Nhà thuê là một chính sách rất đặc biệt mà chúng ta cần phải tính tới trong phương án về nhà ở cho công nhân lao động. Bởi hiện nay, số tiền mà người lao động đủ để mua là không đủ. Nếu như có chính sách thuê nhà ở đảm bảo điều kiện về chỗ ở an toàn, sạch đẹp và có trường học, bệnh viện ở khu vực gần nơi công nhân lao động làm việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, giảm tải được rất nhiều các áp lực về giao thông, trường học”.
Sở Xây dựng đã rà soát trên địa bàn TP.HCM, hiện có tổng cộng 33 dự án diện tích trên 10 ha, chủ đầu tư bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, với tổng diện tích hơn 105ha và 70.000 căn. Trong số này có 26 dự án hoàn toàn do chủ đầu tư thực hiện và đã bồi thường được 14 dự án. Như vậy, quỹ đất đã có, các nhà đầu tư có, địa chỉ có, vấn đề làm sao là triển khai nhanh bằng nhiều chính sách. Bên cạnh đó, trước nhu cầu thực tế của nhiều công nhân lao động, Liên đoàn Lao động TP.HCM cũng đề xuất tính đến việc xây nhà cho thuê trong chính sách nhà ở cho dành cho người lao động trên địa bàn, bởi “đó là vấn đề căn cơ, cốt lõi và dễ giải quyết hơn so với việc mua nhà ở xã hội”./.