Sáng 19/5, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cắt băng khánh thành công trình đường nối Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với thành phố Cần Thơ.
Dự án đường nối Vị Thanh với thành phố Cần thơ có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 1A với đường dẫn cầu Cần Thơ, điểm cuối giao với quốc lộ 61; có tổng chiều dài tuyến hơn 47km, rộng 11,5m, đi qua quận Cái Răng và huyện Phong Điền của thành phố Cần thơ và 3 huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang.
Dự án thiết kế với quy mô 4 làn xe, với kinh phí đầu tư giai đoạn đầu gần 3.400 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm thi công, đường nối Vị Thanh đến thành phố Cần Thơ đi vào hoạt động, trước mắt với 2 làn xe, đã rút ngắn khoảng cách từ thành phố Vị Thanh, Hậu Giang đi Cần thơ 15 km, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh nối liền Cần Thơ- Hậu Giang- Kiên giang và Thành phố Hồ chí Minh.
Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án xây dựng con đường mới từ thành phố Cần Thơ về Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có vai trò quan trọng trong việc phát triển giao thông tiểu vùng Tây sông Hậu, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới cũng như phát triến kinh tế - xã hội của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủ tướng biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, các nhà thầu, các Bộ ngành cũng như tinh thần trách nhiệm của hàng nghìn hộ dân - những người vì sự phát triển chung, đã bàn giao đất, tư liệu sản xuất để có mặt bằng thực hiện dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu các bên liên quan tiếp tục thực hiện đúng tiến độ Dự án trong giai đoạn 2.
Đánh giá cao những thành tựu mà thành phố Cần thơ và tỉnh Hậu Giang, cũng như các địa phương trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đạt được trên các lĩnh vực, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong khu vực tiếp tục tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để nhân dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản vốn là thế mạnh của vùng.
Các địa phương cần tập trung chỉ đạo huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tê xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, cơ bản lâu dài và có ý nghĩa quyết định trong phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu các địa phương Đồng bằng sông Cửu long tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục.
Thủ tướng nhấn mạnh: Không có lý do gì mà Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản lớn nhất cả nước… ; cả vùng đóng góp tới 20% GDP của cả nước, trong khi giáo dục lại thấp hơn nhiều vùng khác.
Cũng trong sáng 19/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm nay./.