Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa có kết quả sơ bộ sau chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu mét khối chất nạo vét tại Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến nhận chìm trong thời gian từ ngày 18 đến 21/7/2017. Việc khảo sát được tiến hành bao gồm khảo sát địa hình đáy biển, trầm tích đáy, sinh cảnh đáy và sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích.

Kết quả cho thấy, về địa hình đáy biển, các nhà khoa học đã thực hiện phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh được sử dụng với các tuyến đo. Kết quả cho thấy địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm (30ha) khá bằng phẳng với độ sâu -35m đến -36.8m.

nhan_chim_afrb.jpg

Về trầm tích đáy: Mẫu trầm tích thu bằng cuốc lấy mẫu “petite ponar” của Mỹ tại 9 điểm Các mẫu thu được mô tả tại chỗ về các đặc điểm như màu sắc, mùi, kiểu trầm tích, thành phần vật liệu và độ sâu thu mẫu, sau đó được mang về phòng thí nghiệm để xử lý và phân tích các chỉ tiêu cơ học trầm tích. Kết quả phân tích cho thấy thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật, độ chọn lọc tốt.

Về sinh cảnh đáy: Tại 5 khu vực, các thợ lặn bơi chậm cách đáy khoảng 1m theo 4 cạnh hình vuông với mỗi cạnh khoảng 10m,vừa di chuyển vừa quay phim nền đáy. Tổng diện tích đánh giá tại mỗi trạm khoảng 80m2. Xử lý tư liệu cho thấy đây là sinh cảnh đáy mềm khá nghèo sinh vật đáy kích thước lớn với ghi nhận một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô và cỏ biển.

Về sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích: Mẫu sinh vật đáy được thu bằng cuốc trầm tích tại 5 trạm gồm trạm 1,2,3,4,5. Tại mỗi trạm thu 3 mẫu và mỗi mẫu thu một cuốc. Mẫu được rây qua lưới có kích thước mắc lưới là 0,5 x 0,5mm để thu tất cả các nhóm sinh vật. Sau đó cố định mẫu bằng formalin 5% và chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả phân tích sơ bộ sinh vật đáy nhỏ có trong mẫu trầm tích cho thấy có sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật đáy chính gồm Giun nhiều tơ, Thân mềm, Giáp xác và Da Gai. Trong nhóm thân mềm đã ghi nhận một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay, là đối tượng được khai thác làm thực phẩm.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tình Bình Thuận, có diện tích 30 héc ta, cách Khu bảo tồn Hòn Cau 8 km./.