Trợ giá xe buýt là vấn đề được TPHCM rất quan tâm và đã triển khai từ năm 2002, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng, qua đó giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

Hiệu quả của chương trình này cũng đã được thể hiện rõ qua hơn 10 năm thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành giao thông cần phải kết hợp nhiều giải pháp để có thể phát huy tối đa hiệu quả của chương trình trợ giá cũng như nâng dần khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng.

xe_buyt_vov_1__zfbv.jpg
Số tiền trợ giá xe buýt mà TP bố trí hiện nay vào khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Sau 12 năm thực hiện trợ giá, sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 12 lần, đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại của người dân. Hiện mỗi ngày có 17.000 lượt phương tiện với khoảng 6.000 tài xế, nhân viên phục vụ. Tính đến tháng 8/2018, TP HCM có 103/141 tuyến xe buýt có trợ giá với khoảng 2.500 phương tiện. Số tiền trợ giá xe buýt mà TP bố trí hiện nay vào khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hiện nay, chính sách này cũng đã có nhiều điểm không còn phù hợp, cần phải tính toán lại. Trong bối cảnh mà giá xe, nhiên liệu, tiền lương… tăng cao, lượng khách đi xe buýt đang dần bão hòa nhưng bộ định mức đơn giá, cách tính vẫn áp dụng theo các quy định cũ  không còn phù hợp. Điều này dẫn tới việc nhiều HTX vận tải điêu đứng, nhiều doanh nghiệp vận tải không có điều kiện để phát triển.

Ông Trần Thanh Tùng, xã viên kiêm lái xe HTX Quyết Thắng cho biết: "Kiến nghị TP thông qua bộ đơn giá định mức mới cho phù hợp thực tế, tạo niềm tin vững chắc cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ, xã viên yên tâm phục vụ. Đồng thời có tích lũy để luôn gắn bó với nghề xe buýt".

Qua nghiên cứu về mức độ hài lòng của người dân của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, trong giai đoạn 2013 – 2016, sản lượng xe buýt không tăng nhưng mức độ hài lòng của người dân tăng 16%.
Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc HTX vận tải số 15 cho biết thêm: "Lãnh đạo TP cần quan tâm cho rà soát tất cả bến bãi để bổ sung, chỉnh sửa. TP cũng nên xem xét cho các HTX tham gia việc đầu tư bến bãi theo hình thức xã hội hóa để các HTX có địa điểm đậu xe, hành khách có được các tiện ích".

Qua nghiên cứu về mức độ hài lòng của người dân của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, trong giai đoạn 2013 – 2016, sản lượng xe buýt không tăng nhưng mức độ hài lòng của người dân tăng 16%... Tiêu chí được hài lòng nhiều nhất là giá vé (chiếm 57%), ngoài ra còn có tiện nghi trên xe và thái độ tài xế…

Riêng về yếu tố không hài lòng của người dân thì đứng đầu là tính an toàn, an ninh như dừng không đúng nơi, chạy quá nhanh, vệ sinh tại trạm đón…Theo nghiên cứu, giá vé để hòa vốn phải là 7.773 đồng/khách trong khi giá vé hiện nay chỉ là 3.489 đồng/khách. Nhờ có trợ giá đã có tác động đáng kể tới người đi xe buýt, nhất là với những người lao động thu nhập thấp.

Hiện vận tải hành khách công cộng tại TP HCM đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại.
Ông Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đề nghị ngành giao thông cần phải phát huy các mặt mà người dân hài lòng như giá vé, đầu tư để thu hút hành khách như lắp thêm wifi, cải thiện vệ sinh, an ninh an toàn; bố trí xe buýt mini trong tuyến đường hẻm, nghiên cứu phát triển xe đạp công cộng và đặc biệt là cần quyết liệt hạn chế xe cá nhân ngay từ bây giờ.

Theo ông Dư Phước Tân: "Tôi nghĩ là chúng ta cần quyết liệt kiểm soát xe cá nhân ngay từ bây giờ bởi nếu không làm bây giờ mà chờ khi nào có metro là rất khó. Chúng ta phải làm ngay từ bây giờ với một lộ trình hợp lý".

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng TP HCM là một đô thị rất lớn (mega city) và đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu hụt loại hình giao thông công cộng. Định hướng là metro, hệ thống xe buýt nhanh…nhưng hiện nay xe buýt vẫn là chủ lực. Vấn đề đô thị hóa cùng với các hướng phát triển ở phía Đông và phía Nam cũng kéo theo yêu cầu bổ sung các luồng tuyến mới nên cần phải có điều chỉnh, thích ứng.

Về trợ giá xe buýt, hiện đang gặp phải hai khó khăn lớn đó là trợ giá trong 3 năm gần đây là không tăng mà còn giảm. Tiền trợ giá đã sử dụng hiệu quả hơn nhưng trước yêu cầu đổi mới phương tiện, mở thêm luồng tuyến thì hết sức khó khăn.

Hiện vận tải hành khách công cộng tại TP HCM đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại và để đạt mục tiêu đến 2020 tăng thêm so với hiện nay khoảng 200 – 220 tuyến vận tải hành khách công cộng  thì phải đầu tư  ít nhất 80 tuyến/năm, số phương tiện tăng lên khoảng 5.600 phương tiện. Và số tiền cần phải giành cho vận tải hành khách công cộng từ trợ giá, đổi mới phương tiện… là 11.500 tỷ đồng.

Sắp tới, ngành giao thông sẽ tiếp tục có các giải pháp đột phá và mang tính đòn bẩy là sử dụng hiệu quả tiền trợ giá. Nhiệm vụ của ngành là phải đổi mới tư duy, lấy hành khách làm trung tâm. Dù thời gian qua, ngành giao thông đã có nhiều thay đổi về cách phục vụ nhưng vẫn cần phải quyết liệt thay đổi thêm. Bên cạnh đó là phải tạo ra nguồn thu khác như quảng cáo trên xe buýt, bến bãi, một số nguồn xã hội hóa…

Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu để tiếp tục xã hội hóa, đưa cạnh tranh vào trong dịch vụ, đấu thầu… gắn với đấu thầu là phải kiểm soát, cơ cấu quản lý hợp lý, gắn với thẻ thông minh.

Sau 12 năm thực hiện trợ giá, sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 12 lần, đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói: "Chúng tôi cũng trình UBND TP và sắp tới sẽ xin ý kiến HĐND về đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát nhu cầu, khẳng định lại là kiểm soát nhu cầu để có loại hình giao thông công cộng thay thế và có thể kiểm soát để người dân có thể chuyển từ xe máy sang xe buýt. Mong HĐND, lãnh đạo TP quan tâm và người dân đồng hành cùng xe buýt và tiếp tục quan tâm đến trợ giá".

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM cũng khẳng định, HĐND TP sẵn sàng xem xét thông qua các mức trợ giá, miễn sao số tiền trợ giá xe buýt phải được sử dụng hiệu quả.

"Vấn đề không phải mình chi bao nhiêu tiền ngân sách ra để phát triển giao thông công cộng. Vấn đề là làm sao để đồng tiền bỏ ra nó hiệu quả thì người dân mới chấp nhận được bởi đó là tiền ngân sách mà. Đấy là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm khi sử dụng tiền ngân sách. Nếu hiệu quả thì HĐND TP sẵn sàng" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ rõ.

Trong bối cảnh mà xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực của giao thông công cộng thì rõ ràng, để có thể đạt mục tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng chiếm 15-20% nhu cầu đi lại của người dân, ngành giao thông vận tải mà cụ thể là giao thông công cộng TP cần phải làm sao sử dụng hiệu quả số tiền trợ giá xe buýt và kết hợp nhiều giải pháp khác nhau cả trước mắt và lâu dài./.