Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Trung tâm) đã trình Sở Giao thông vận tải thẩm định chủ trương đầu tư dự án “Phát triển dòng xe mini buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng TPHCM”.

vov_xe_bus_nho_3_gohq.jpg
Ngành giao thông đang nỗ lực thay đổi để phục vụ người dân.

Theo đó, các xe buýt nhỏ sẽ thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường hẻm, đường hẹp ra hệ thống xe buýt của thành phố. Hiện đề án này vẫn đang được Sở Giao thông vận tải xem xét và cũng có nhiều luồng dư luận khác nhau.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, hiện nay vận tải hành khách công cộng TPHCM chỉ đáp ứng gần 10% nhu cầu đi lại và có xu hướng bão hòa trong giai đoạn vừa qua.
Một trong những nguyên nhân chính là do đa số các quận ở thành phố như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Quận 10 và các quận huyện khác... có rất nhiều đường hẻm với 85% dân số cư ngụ trong các khu vực này và các hẻm chỉ có chiều rộng thực tế từ 3-6m không phù hợp với xe buýt lớn và xe buýt trung.
Các tuyến xe buýt không thể đi sâu vào các khu vực đông dân và người dân rất khó tiếp cận với xe buýt vì khoảng cách thường khá xa (từ 600m đến trên 1.000m), trong khi theo khảo sát thì khoảng cách hợp lý cho việc tiếp cận xe buýt là trong vòng bán kính 200m.
Điều này đã ảnh hưởng đến việc người dân tham gia đi lại trên các tuyến xe buýt của thành phố hiện nay còn ít. Và theo Trung tâm giao thông công cộng, hệ thống mini buýt ra đời để thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường hẻm, đường hẹp ra hệ thống xe buýt của thành phố.
Các loại xe mini buýt này có từ 12 đến 16 chỗ ngồi, có kích thước nhỏ gọn được bố trí vận hành phù hợp cho từng khu vực ở các quận huyện của thành phố.
Trước mắt, Trung tâm sẽ đầu tư, đưa vào sử dụng 210 xe mini buýt từ 12 đến 16 chỗ để phục vụ nhu cầu thu gom, trung chuyển hành khách từ các khu vực đường hẻm, đường nhỏ hẹp ra hệ thống giao thông công cộng của thành phố, đồng thời phục nhu cầu đưa rước học sinh trong khu vực nội quận các địa bàn Quận 1, 10 và Tân Bình. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 77 tỷ đồng và giá vé sẽ được tính toán mức hợp lý nhất.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc TT Giao thông công cộng TPHCM.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng nói: “Ngoài phục vụ cho người dân đi lại trong phạm vi đó và gắn kết hệ thống xe buýt trục chính, xe buýt này sẽ tăng cường hỗ trợ học sinh đi lại trong từng khu vực. Chúng tôi đang xây dựng mini buýt có nhận diện riêng của TPHCM, thậm chí là những tiếng chuông đặc thù để giảm tiếng ồn trong việc đi lại trong các trục đường có mặt cắt ngang dưới 7m. Chúng tôi sẽ khảo sát để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và về hạ tầng kỹ thuật”.
Nhiều người dân ở các quận trung tâm của TPHCM cũng tỏ ra không tin tưởng vào giải pháp này. Những hộ dân ở các con hẻm phân tích: phần lớn các con hẻm đều nhỏ, mật độ giao thông ngày càng đông đúc nên đưa xe buýt mini vào hẻm là khó khả thi dễ gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Anh Nguyễn Hoàng Thông ở đường Trần Nhân Tôn, Quận 5 cho rằng: “Theo tôi xe buýt mini đưa vào các hẻm nó bất hợp lý nếu muốn thí điểm đưa xe điểm vào các hẻm nên cải thiện cơ sở hạ tầng trước. Vì bây giờ thực hiện vừa tốn chi phí và bất hợp lý vì hẻm của thành phố nhỏ tới giờ cao điểm đã hẹp, xe buýt vào rồi người dân sử dụng xe gắn máy ra vào nhiều sẽ kẹt xe và vướng ở hẻm một số hộ có xe hơi và xe vào đón khách sẽ kéo dài tình trạng kẹt xe”.
Còn theo anh Nguyễn Minh Huy tài xế ở Quận 12 muốn đưa xe buýt mini vào các con hẻm đón khách thì cơ quan chức năng phải phân luồng giao thông hợp lý vì rất có thể xảy ra tình trạng kẹt xe.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Chủ trương này giúp cho xe buýt tiếp cận với người dân hơn, giúp tăng số người sử dụng phương tiện công cộng là tốt. Tuy nhiên, giữa mục tiêu của đề án với thực tế sẽ có rất nhiều điểm khác biệt và Trung tâm Giao thông công cộng cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, nếu không rất có thể lại dẫn tới những hậu quả như tăng nguy cơ ùn tắc giao thông trong hẻm, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…
Tiến sỹ Võ Kim Cương, nói: “Khi xe buýt vào trong hẻm sẽ có khả năng gây kẹt xe hoặc ảnh hưởng môi trường bình thường trong hẻm. Như thế sẽ không có lợi và phải tính toán. Theo tôi nên có các tuyến xe buýt ổn định, còn việc tiếp cận có thể suy nghĩ nhiều cách khác”.

Chỉ tiêu đến năm 2020 khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị tại TPHCM đáp ứng từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị.
Chỉ tiêu đến năm 2020 khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị tại TPHCM đáp ứng từ 15% đến 20% nhu cầu giao thông đô thị. Hiện ngành chức năng vẫn đang triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, bài toán giao thông công cộng chỉ có thể được giải quyết nếu như có sự đồng bộ trong các hệ thống giao thông công cộng như metro, BRT, xe buýt lớn và trung, xe buýt nhỏ…/.