Các vấn đề được đưa ra bàn bạc tại chương trình là tiện ích, đối tượng được trợ giá có đúng như ban đầu; đánh giá, nguyện vọng của người dân như thế nào, đối tượng nào tham gia chương trình trợ giá…

buyt_uuhf.jpg
Kinh phí trợ giá từ 40 tỷ đồng/năm, nay khoảng 1000 tỷ đồng/năm.

Trợ giá xe buýt là vấn đề được TPHCM rất quan tâm và đã được triển khai từ năm 2002, góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng, qua đó giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

Tính đến tháng 8/2018, TP có 103/141 tuyến xe buýt có trợ giá với khoảng 2.500 phương tiện. Mục tiêu của trợ giá xe buýt là khuyến khích, thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm thiểu tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Thứ hai là thực hiện chính sách an sinh xã hội với các đối tượng cần được hỗ trợ trong đi lại như sinh viên, học sinh, người lao động, người có thu nhập thấp, người khuyết tật…

Hoạt động trợ giá xe buýt ngày càng được chú trọng. Từ 45 tuyến được trợ giá năm 2002 đến nay đã trợ giá 103 tuyến, trung bình 1 ngày 17.000 chuyến xe. Kinh phí trợ giá từ 40 tỷ đồng/năm thì nay khoảng 1000 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM nói: “Việc trợ giá xe buýt đã tác động tích cực đến an ninh xã hội, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường…Cơ quan quản lý triển khai nhiều giải pháp cùng với HTX từng bước đổi mới phương tiện, thay đổi hình ảnh, khắc phục các tồn tại trước đây”.

Tại buổi trao đổi, các chuyên gia có mặt tại chương trình cũng đề nghị cần phải làm ngay các giải pháp để hấp dẫn người dân như lắp thêm wifi, vệ sinh, an ninh an toàn…

Tích hợp mô hình xe buýt nhỏ vào ngõ hẻm, nghiên cứu phát triển xe đạp công cộng; quyết liệt hạn chế xe cá nhân ngay từ bây giờ với lộ trình hợp lí; Đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của xe buýt cũng như tạo nguồn thu khác cho xe buýt như quảng cáo trên nhà chờ, trên thân xe buýt, kêu gọi xã hội hóa.

Nhiều ý kiến cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của chính sách trợ giá này sau hơn 10 năm thực hiện như hiện nay bộ định mức không còn phù hợp, giá xe, nhiên liệu, tiền lương... tăng cao trong khi lượng khách dần bão hòa vì thế cần phải tính toán lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX vận tải Quyết Thắng nói: “Chúng tôi mong cần sớm ban hành bộ định mức đơn giá mới đảm bảo tính đúng tính đủ chi phí cho từng loại xe và cũng như chi trả hỗ trợ lãi vay để bà con có tiền bù đắp chi phí hoạt động trên tuyến. Qua đó cũng giúp các HTX doanh nghiệp yên tâm đầu tư, nhằm thu hút thêm người dân sử dụng phương tiện này”./.