Sáng 24/9, tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Quốc gia về việc làm bền vững được tổ chức tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố các dự án hỗ trợ mới, trị giá khoảng 4,56 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. 

Giai đoạn hai (2012-2016) của Dự án Tăng cường quan hệ lao động, với kinh phí ước tính 3 triệu USD, sẽ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam, cải tổ chính sách tiền lương, trong đó bao gồm việc soạn thảo Luật Lương tối thiểu và thực hiện Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi. 

Bên cạnh đó, khoảng 1 triệu USD sẽ được dành cho giai đoạn hai (5 năm) của Dự án Hỗ trợ cạnh tranh bền vững các doanh nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động và khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thúc đẩy các quyền của người lao động.  

lop-hoc2.jpg
ILO tiếp tục hỗ trợ phát triển việc làm cho đối tượng dễ bị tổn thương (Ảnh minh họa: Minh Dương)

Chính phủ Luxembourg cũng vừa đóng góp 980.000 euro (tương đương hơn 1,27 triệu USD) giúp ILO tiếp tục hỗ trợ phát triển việc làm cho lao động trẻ nông thôn ở 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Khoảng 246.000 USD đồng thời được phân bổ cho dự án của ILO về Tăng cường quyền và cơ hội cho người khuyết tật – bình đẳng thông qua Pháp chế thực hiện trong năm 2012-2013.  

Cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Quốc gia về Việc làm bền vững cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ đảm bảo việc làm bền vững cho mọi người lao động Việt Nam, trong giai đoạn 2012-2016 và tương lai xa hơn. 

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc ILO tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho biết: “Tạo cơ hội việc làm bền vững cho mọi người, bao gồm người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương, là chìa khóa giúp Việt Nam thành công trong công cuộc giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực”. 

Hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người đang thất nghiệp. Hơn một nửa trong số này trong độ tuổi 15-24 và xu hương lao động trẻ thất nghiệp đang tiếp tục gia tăng. 

Chương trình Việc làm bền vững quốc gia, giai đoạn 2012-2016, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng và chiều sâu của sự tăng trưởng kinh tế quốc gia thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm bền vững và phát triển doanh nghiệp bền vững. 

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: "Trong giai đoạn trước, sự hợp tác giữa Việt Nam và ILO đã rất thành công, góp phần hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật lao động, tăng cường năng lực thi hành pháp luật và hỗ trợ đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và các tiêu chuẩn lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thức được rằng, phía trước còn nhiều thách thức, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế hiện nay”./.