Ngày 27/10, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai phương án phòng chống bão số 8, nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Theo thống kê Phòng Cứu hộ, cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng 27/10, lực lượng biên phòng các tỉnh đã kêu gọi và thông báo được cho hơn 46.800 tàu thuyền với gần 222.000 lao động hoạt động trên biển vào nơi trú tránh bão an toàn.

Để chủ động đối phó với cơn bão số 8, sáng 27/10, UBND tỉnh Nghệ An quyết định đóng các cửa lạch không cho tàu thuyền ra khơi; đồng thời tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão. Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An, đến sáng 27/10, các huyện vùng biển hiện còn trên 400 tàu, với trên 2000 lao động đang đánh bắt xa bờ vẫn đang hoạt động trên biển, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã liên lạc được với chủ thuyền để hướng dẫn nơi ở tránh trú bão an toàn. Để chủ động sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra, Bộ đội Biên phòng Nghệ An bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng trực suốt ngày đêm ở những vùng trọng điểm.

anh%202.jpg
Ngư dân giúp nhau chằng néo tàu thuyền (ảnh: Hải Sơn)

Còn tại Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 8.600 tàu thuyền với trên 28.500 lao động. Đến thời điểm này, còn gần chục tàu đánh bắt xa bờ và hàng trăm tàu thuyền đánh bắt gần bờ vẫn đang hoạt động trong vùng biển có khả năng bị ảnh hưởng bão số 8. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã thông báo qua bộ đàm, các đơn vị liên quan thông báo đến các chủ tàu chủ động nắm bắt thông tin để biết hướng đi của bão nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Để nắm bắt tình hình diễn biến mưa bão mới nhất và có biện pháp phòng chống kịp thời, chiều 27/10, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức 2 cuộc họp ở các huyện miền núi và tại các địa phương ven biển, đồng bằng để triển khai các biện pháp phòng chống bão số 8.

Đại tá Bùi Hồng Tài, Chỉ huy trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã triển khai 3 đài thông tin báo bão và 1 hải đội trên biển để triển khai tất cả các phương án phòng chống ở đơn vị mình; đồng thời kêu gọi tàu thuyền về nơi trú đậu an toàn. Cho đến nay, tất cả các tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về cơn bão số 8. Hiện ngoài biển, còn 8 phương tiện với 47 lao động đang trên đường về tránh bão ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Bạch Long Vĩ. Theo kế hoạch phòng chống bão của tỉnh, chúng tôi triển khai lực lượng biên phòng trên hai tuyến, tuyến biển phòng chống lụt bão, tuyến núi chú ý mưa ngập lụt và sạt lở đất để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Tại Hà Tĩnh hiện có hơn 1000 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, bộ đội biên phòng trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi bão xảy ra. Các địa phương trong tỉnh cũng đã chuẩn bị 10.000 khối đất đá, gần 200.000 bao tải, 70.000 mét tải bạt chắn sóng và chuẩn bị 200 tấn gạo, hàng nghìn thùng mì tôm, nước uống để chủ động giúp dân trong trường hợp bị mưa bão chia cắt.

Ông Bùi Lê Bắc, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện toàn bộ ngư dân của hơn 3.800 tàu, thuyền hoạt động ngoài biển đã nhận được thông tin và neo đậu vào bờ an toàn.

 Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát và các lãnh đạo, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt tại Hà Tĩnh để kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương như huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê và Vũ Quang để chỉ đạo các địa phương có biện pháp kịp thời ứng phó với mưa bão.

Ông Bùi Lê Bắc nói: “Hiện nay Hà Tĩnh đang chủ động sẵn sàng ứng phó với bão số 8. Văn phòng thường trực theo dõi cập nhập thông tin liên tục về mưa, mực nước và diễn biến cơn bão. Vấn đề Hà Tĩnh quan tâm nhất hiện nay là sẵn sàng sơ tán dân. Khi diễn biến bão phức tạp sẽ sơ tán khoảng 15.000 dân ở các huyện ven biển như Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Phương án này các địa phương đã lên kế hoạch, khi diễn biến mưa bão phức tạp là có phương án chỉ đạo sơ tán dân cư”./.