Ngồi sắp xếp lại những tấm ảnh cách đây hơn 30 năm, khi còn là người lính tình nguyện Việt Nam rong ruổi trên khắp nẻo đường của đất nước Ăngko, những ký ức xưa ùa về trong tâm tưởng Đại tá Lã Văn Nho (Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479). Bởi với ông, những tháng ngày ở Campuchia là những ngày ghi nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Mười năm gian khổ mấy ai quên

Ngay sau khi đất Việt Nam giải phóng, bè lũ Pol Pot tấn công quân sự trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, gây ra những tổn thất nặng nề. Hàng ngàn người dân vô tội bị giết hại, hàng ngàn ngôi nhà của bà con bị đốt phá, hàng vạn người dân dọc biên giới phải bỏ ruộng vườn, nhà cửa đi sơ tán.

Trên đất nước Campuchia, tập đoàn Pol Pot- Ieng Sary, thực hiện chính sách diệt chủng, biến Campuchia thành một nhà tù lao động khổ sai khổng lồ. Sự khủng bố và kìm kẹp dã man của chế độ Pol Pot đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ tàn bạo này trên khắp đất nước Campuchia.

img_0106.jpg
Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 271 Sư đoàn 302 Mặt trận 479 họp chuẩn bị tiến công đánh chiếm căn cứ của địch

Ngày 7-1-1979, theo tiếng gọi khẩn thiết của người bạn láng giềng thân cận, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược và sau đó chuyển sang tiến công phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, đánh tan quân Khmer Đỏ, giải phóng thủ đô Phnom Penh , xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Tuy nhiên, địch mới chỉ bị tiêu diệt một bộ phận, đội quân đông đảo của chúng tan rã, lẩn trốn chờ thời cơ tập hợp lực lượng phản công. Chính vì vậy, sau giải phóng, hàng nghìn cán bộ chuyên gia, hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam vẫn tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng tại Campuchia.

Ngày 1/1/1979, lần đầu tiên đặt chân lên đất Campuchia ông Nho được chứng kiến tận mắt sự bạo tàn của chế độ Pol Pot: “Những cánh đồng trắng xương người, những hố chôn người 5-7m nồng nặc mùi xú uế không còn trên sách vở. Những gì mà chúng tôi được biết về chế độ Pol Pot trong các lớp tập huấn trước khi sang đây giờ đã được tận mắt chứng kiến”. Không xã nào ông hành quân qua có lấy một bóng người, họ bị giết, bị tra tấn, phải bỏ quê quán mà đi. Ông Nho kể lại: “Có lần, hành quân qua xã Công Pông Chàm, cả xã không có một bóng người. Đến ngày thứ 2, có anh lính làm rơi gàu nước xuống giếng, đến lúc vớt lên mới phát hiện dưới giếng toàn là xương người, đầu người. Lúc ấy vừa sợ vì từ hôm qua đến giờ quân đoàn toàn dùng nước giếng để nấu nướng, vừa căm phẫn trước sự bạo tàn của bọn Pol Pot”.
Gian khổ trong gần 10 năm tham gia tại chiến trường Campuchia thì có lẽ không thể nào kể hết. Nhưng với ông Nho cũng như những người lính trên  Mặt trận 479, điều khủng khiếp nhất không phải là kẻ thù mà chính là thời tiết khắc nghiệt ở những vùng đất mà họ hành quân. Chiến đấu trực tiếp với kẻ thù có khi cả quân đoàn chẳng phải hy sinh một ai nhưng ở chốn rừng thiêng nước độc lại quật đổ từng người, từng người.

Để lại ký ức sâu đậm trong tâm trí Đại tá Nho là vùng núi Cao Mê Lai. Người dân Campuchia vẫn thường bảo nhau: “Nơi rừng thiêng nước độc, từ xưa đến nay to khỏe như voi còn không dám ở, vậy mà bộ đội Việt Nam dám đưa nhau vào ở”.

Mùa khô, nước ở Cao Mê Lai cực kỳ khan hiếm. “Những ngọn suối khô cạn, trơ toàn sỏi đá. Chúng tôi phải đào đá để chắt lấy nước, thậm chí gặm rễ cây. Có ngày đơn vị hành quân truy quét dọc biên giới 50km mà không có lấy một giọt nước. Nhiều người ngất đi, sư đoàn phải chở nước từ xa đến cấp cứu”, ông Nho nhớ lại.

Đại tá Lã Văn Nho- cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 Campuchia

Mùa mưa, phần lớn khu vực này đều bị ngập úng, đi lại, tác chiến rất khó khăn. Vùng đất dữ này nổi tiếng khắp Campuchia cũng bởi hàng trăm người đã chết ở đây vì bệnh sốt rét vào mùa mưa. Ông Nho nhớ lại: “Năm 1980, cả đại đội tôi gần 60 người, có đến 90% từng bị sốt rét, 30 % phải nhập viện vì bệnh quá nặng. Bản thân tôi cũng từng bị sốt rét kéo dài, không cắt sốt được, thậm chí sốt cao đi tiểu ra cả máu”. Căn bệnh sốt rét hoành hành trong khi dùng phác đồ điều trị bệnh sốt rét thông thường không khỏi, phương tiện đi lại không có, bộ đội ta cứ tiêu hao dần sinh lực, nhiều người ở lại mãi mãi vùng đất này.

“Mãi tới năm 1985, khi có một chuyên gia của Cục Quân Y tới tận Cao Mê Lai nghiên cứu mới tìm ra phác đồ điều trị. Từ đó, cơn ác mộng sốt rét mới giảm hẳn. Sau này tôi được biết, để tìm ra cách chữa, vị bác sỹ ấy đã trực tiếp tiêm vi rút này vào bản thân mình để thử nghiệm”, ông Nho bùi ngùi kể.

Hoa nở trên đất Chùa Tháp

Trong suốt cuộc trò chuyện cùng tôi, người lính già không một lần xưng “Việt Nam- Campuchia” mà chỉ xưng “Ta- Bạn”. Cách gọi giản dị ấy như phần nào thể hiện tình cảm chân thành của ông với đất nước mà ông đã gắn bó gần 10 năm để chiến đấu, xây dựng và bảo vệ như chính quê hương mình.

Đại tá Nho cho biết, khi sang nước Bạn làm nhiệm vụ Quốc tế, mỗi người lính Việt Nam đều được học tập chính trị. Trong đó có “9 điều cấm” và “5 điều không” mà bộ đội phải ghi nhớ, tuyệt đối bảo vệ tính mạng nhân dân và không xâm phạm vào tài sản của nhân dân. Điều đó cho thấy tình cảm chân thành, động cơ trong sáng của Ta với Bạn.

Ông bùi ngùi kể, nếu không có người dân Campuchia đùm bọc và che chở, những người lính như ông không thể tồn tại được. Nhân dân nước Bạn thường xuyên nhường cơm sẻ áo, có gì ngon cũng mang mời bộ đội Việt Nam. Sau 1980, bộ đội ta bàn giao biên giới cho Bạn canh giữ và rút về ở cùng nhân dân nước Bạn để phục hồi sản xuất. Mỗi lần quân Khmer Đỏ càn quét, nhân dân lại mật báo, che chở cho lính Việt Nam. Ông Nho tự hào nói: “Đơn vị tôi chưa bị đánh bất ngờ lần nào do được nhân dân nước Bạn che chở, cấp báo kịp thời”.

Gần 10 năm trên đất Campuchia, Đại tá Nho cùng đồng đội của mình trên Mặt trận 479 không chỉ lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary, vận động địch bỏ ngũ về với nhân dân mà còn cùng với Bạn xây dựng và bảo vệ chính quyền mới thành lập, tích cực sản xuất, xây dựng đời sống nhân dân sau nhiều năm bị bè lũ Pol Pot tàn phá.

Tháng 12/2012, Đại tá Nho cùng đồng đội trở lại Campuchia.

Tháng 12/ 2012, ông Nho cùng một số đoàn cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự  Mặt trận 479 trở lại đất nước Campuchia. Chuyến đi tuy ngắn ngủi, nhưng sau 25 năm trở lại, được chứng kiến sự thay đổi thần kỳ trên đất nước Chùa Tháp đối với ông Nho là một niềm vui khôn tả.  “Lần trở lại ấy, tôi cùng đồng đội ai cũng ngỡ ngàng trước sự hồi sinh mạnh mẽ của đất nước Campuchia. Khi đến Xiêm Riệp, nhìn thấy những khách sạn cao tầng mọc lên san sát, sân bay Quốc tế khang trang, đời sống nhân dân sung túc, ai cũng mừng”.

Vui hơn khi quan hệ hai nước Việt Nam- Campuchia ngày càng gắn bó trên mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Đại tá Nho cười: “Máu của chúng ta trong quá khứ đã giúp hoa nở trên đất nước Chùa Tháp, vun đắp tình hữu nghị giữa Ta- Bạn ngày càng tươi thắm, bền chặt”./.