Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giải phóng Vương quốc Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn-pốt (7/1/1979), trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục xây đắp quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Campuchia. Trong đó có công tác đào tạo lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam để thế hệ trẻ viết tiếp bài ca hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Campuchia hôm nay và mai sau.

Hơn 1.000 lưu học sinh Campuchia hiện đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học, học viện ở Việt Nam. Trường nào các em đến học tập cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng thầy cô, bè bạn. Bà Nguyễn Thị Ánh, Hiệu trưởng trường Hữu nghị 80 (thị xã Sơn Tây), nơi đặt chân đầu tiên của các lưu học sinh Campuchia đến Việt Nam cho biết: nhà trường thường tạo điều kiện cho các lưu học sinh Campuchia tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu trong những dịp lễ tết truyền thống của nước bạn, giúp sinh viên Campuchia vơi nỗi nhớ quê hương và là dịp để sinh viên Việt Nam – Campuchia hiểu biết nhau hơn.

20140105quantinhnguyen_2.jpg
Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) 

Bà Ánh cho biết, lưu học sinh Campuchia có nhiều đức tính đáng quý đặc biệt là tính tổ chức cao:“Chúng tôi thấy rằng cô, trò làm việc rất thoải mái và công tác quản lý rất thuận lợi. Trong điều kiện học bổng chưa được cao vì đất nước ta còn khó khăn, nhưng tôi thấy các em đã có cách tổ chức cuộc sống rất tiết kiệm, đúng mức. Vì vậy sinh hoạt của các em hầu như không gặp khó khăn, đảm bảo sức khỏe để lên lớp được tốt. Đặc biệt, các em rất tình cảm.

Với lưu học sinh Campuchia, các em cũng rất ấn tượng về tình cảm tốt đẹp về sự nhiệt tình của các thầy, cô giáo, các bạn sinh viên Việt Nam dành cho mình. Sinh viên Py say, học khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa chia sẻ: “Trong quá trình học tập, nghiên cứu tại đây, các thầy cô luôn luôn quan tâm tới chúng em và các bạn Việt Nam cũng luôn giúp đỡ em trong quá trình học tập. Như có chỗ nào không hiểu, các bạn Việt Nam sẽ giúp em giải quyết thắc mắc đó”.

Trong khi đó, lưu học sinh Chia Vo Thy, lại rất cảm kích về tình cảm của thầy hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp đối với mình cũng như với các lưu học sinh Campuchia khác đang theo học ở đây.

“Em chưa bao giờ thấy vị Hiệu trưởng nào mà dành thời gian nhiều với sinh viên, hỏi thăm sinh viên, hỏi han về việc học tập, ăn uống như thế nào. Thầy thường hỏi có nhận được sự quan tâm về người quan lý hay không, gặp vấn đề gì thầy sẽ giúp ngay lập tức. Lúc đó, em cảm thấy rất thân thiết với thầy hiệu trưởng. Em yêu người Việt Nam”, Chia Vo Thy xúc động nói.

Học viện Quân y là một điểm đến của lưu học sinh Campuchia, nơi đây đã đào tạo trên 300 bác sỹ trở về phục vụ đất nước Campuchia. Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Hiệu trưởng Học viện Quân y, từng là người lính tham gia chiến đấu và cứu chữa thương bệnh binh tại Campuchia bày tỏ: “Đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo luôn luôn dành cho các em tình cảm yêu quý, thân thương và trân trọng nhất. Chúng tôi thấy các em hoàn toàn có thể trở thành những học sinh giỏi, những bác sỹ giỏi. Tôi khẳng định trong số các em ở đây chắc chắn sau này sẽ có những em rất trưởng thành và trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, đóng góp vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân Campuchia. Chúng tôi cũng tự hào về điều đó”.

Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất có thể nhằm giúp lưu học sinh Campuchia học tập, nghiên cứu hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta, lưu học sinh Campuchia còn nhận được sự quan tâm chăm sóc tận tình của các đoàn thể, nhân dân.

Năm 2012, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia vận động các cựu Quân nhân tình nguyện và các thành viên trong Hội hữu nghị làm cha, mẹ đỡ đầu cho các lưu học sinh Campuchia, đồng thời giúp lưu học sinh Campuchia hiểu hơn về nền văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, hỗ trợ các em có điều kiện học tập tốt hơn. Đến nay đã có hàng chục lưu học sinh Campuchia trở thành con em của các gia đình Việt Nam.

Là cha đỡ đầu cho 3 lưu học sinh Campuchia, ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho biết, việc làm này sẽ giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, góp phần vun đắp tình cảm giữa nhân dân 2 nước: “Lúc bấy giờ, không chỉ có tôi mà đông đảo những cựu chuyên gia, cựu chiến sỹ Quân tình nguyện và đông đảo các anh chị em trong hội đều hưởng ứng nhiệt tình phong trào này. Bởi vì tất cả đều nhận rõ ý nghĩa to lớn của phong trào đó, nó thể hiện được tình cảm của các gia đình Việt Nam đối với các lưu học sinh Campuchia, làm vơi nỗi nhớ nhà của các cháu. Đồng thời giúp các cháu có điều kiện để hiểu biết thêm văn hóa gia đình của người Việt. Việc đón nhận các cháu không khác gì việc ươm mầm cho tình hữu nghị”.

Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn- Pốt năm 1979, từ năm 1981 đến nay, nước ta đã tiếp nhận và đào tạo trên 4.000 sinh viên Campuchia trong những ngành mũi nhọn, từ khoa học kỹ thuật, y học, nông nghiệp, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.

Trở về nước, các lưu học sinh Campuchia đã và đang có những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước. Đây chính là nhịp cầu nối tình hữu nghị truyền thống, góp phần làm đượm nồng hơn quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia./.