Vào lúc 11h10 ngày 24/11, nghệ thuật Hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại với số phiếu đồng thuận gần như tuyệt đối. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận quá trình chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, định hướng đúng của các cấp các ngành trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan trong cộng đồng.

Hát xoan hay còn gọi là hát xuân đã và luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá cộng đồng dân cư vùng đất Phú Thọ. Đây là một loại hình dân ca nghi lễ và xuất phát từ phong tục và tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng.

hat-xoan.jpg

Hát Xoan đang được các thế hệ người dân Phú Thọ hát, học để bảo tồn và phát huy

Không ai biết chính xác nghệ nhân Lê Thị Đá năm nay bao nhiêu tuổi. Người nhà thì bảo cụ đã 108 tuổi, cán bộ văn hoá thì khẳng định cụ hơn 100 tuổi, còn cụ Đá thì cũng không chắc mình là 112 hay 113 tuổi. Những cụ nhớ rất rõ, năm lên 10 tuổi đã theo người nhà ra cửa đình nghe hát xoan, lớn lên đi theo học hát với các trùm phường, đến nay cụ đã có gần 1 thế kỷ gắn bó với hát xoan.

Cách đây mấy chục năm, cụ Đá cũng đã truyền lại nghệ thuật hát cho những ai muốn theo học, truyền là truyền miệng, dạy hát theo những gì mình biết, mình nhớ. Ở tuổi này, cụ Đá cũng đã lẫn nhiều, tên con cái cũng không còn nhớ rõ lắm, nhưng giai điệu xoan, điệu hát, quả, cách cụ Đá vẫn còn thuộc nhiều lắm.  

Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên, 74 tuổi, ở thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, Phú Thọ cho biết, từ năm 3- 4 tuổi bà đã được ra đình xem hát xoan, rồi lớn dần lên qua những câu hát “la vống, vông tầm, vông tầm, tập vông”. Bà đã theo cái nghiệp hát xoan từ đấy. Học hết các bài, các quả, cách hát và rồi lấy cái việc dạy lại thế hệ trẻ trong làng làm trọng. Nhờ vậy mà hát xoan Phú Thọ đã không bị mai một đi.

Bà Liên cho rằng: “Bây giờ chúng tôi đã cao tuổi, nên chúng tôi mong muốn Việt Nam nên giữ gìn bản sắc dân tộc mà cha ông đã để lại.  Giá trị văn hoá này không thể để mai một được, nên cần phải lưu giữ và truyền bá cho thế hệ sau thì chúng tôi rất phấn khởi”.

Phú Thọ hiện nay chỉ còn 4 phường hát xoan: Phủ Đức, Thép, Kim Đới và An Thái, các phường quản lý theo các đình trên địa bàn Phú Thọ và một số nơi ở Vĩnh Phúc. Thường thì hát xoan chủ yếu được lưu giữ bằng truyền khẩu nên vai trò của những nghệ nhân hát xoan, trùm phường hát xoan là vô cùng quan trọng.

Gia đình bác Nguyễn Thị Lịch đã trải qua 5 đời làm trùm phường hát xoan An Thái. Cái nghề làm trùm phường hát nó như một cái nghiệp, một tình yêu giá trị văn hoá truyền thống quê hương đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác nên bà Lịch hiểu rất rõ ý nghĩa của việc lưu giữ hát xoan lại cho thế hệ sau

Bà Lịch nói: “Hát xoan là rất khó và truyền dạy cũng rất khó nhưng với tấm lòng đam mê của mình thì mình cũng cố truyền lại cho các cháu, để các cháu hiểu những giá trị lịch sử của cha ông để lại… Mai đây nếu thế hệ chúng tôi có ra đi thì vẫn còn những người yêu hát xoan và gìn giữ hát xoan. Nếu được thì nên đưa hát xoan vào học đường thì mới giữ được”.

Một điều mừng là trong các đêm trình diễn hát xoan ở Phú Thọ hiện nay đã xuất hiện nhiều thanh niên trẻ theo học hát xoan, đó là sức sống của giá trị hát xoan trong lòng người dân Phú Thọ, đồng thời cũng khẳng định những giá trị văn hoá mà hát xoan có được cần phải được lưu giữ.

Em Nguyễn Như Quỳnh, một bạn trẻ đang theo học hát xoan của phường xoan An Thái bày tỏ: “Em đã được đi theo các bà nên em cũng mê hát xoan từ thủa bé. Em thấy xoan ca ngợi cảnh đẹp, tình yêu quê hương đất nước. Em cũng cố gắng theo các bà, các cụ ở đây học hết các quả, cách. Xoan có đặc trưng là hát mềm không nhiều giáng, thăng như hát hiện đại…”.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, bộ hồ sơ hát xoan của Việt Nam được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng nhất trong 36 hồ sơ của các nước đề nghị phong tặng danh hiệu lần này. Đây là phần thưởng xứng đáng, khẳng định sự quan tâm chỉ đạo của chính phủ và các ban ngành chức năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản hát Xoan.

Và giá trị lớn nhất của hát Xoan là đang được các thế hệ người dân Phú Thọ hát, học để bảo tồn, phát huy và gìn giữ./.