Trong tọa đàm “Vấn đề ung thư, ghép tạng và những thách thức đối với hoạt động truyền thông y tế hiện nay” được tổ chức tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), các chuyên gia cho biết Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Mỗi năm nước ta có đến 80.000 người chết và 150.000 người mắc mới. Theo tính toán, số lượng người mắc ung thư có thể lên đến 200.000 ca vào năm 2020.

anh1_utoc.jpg
Các diễn giả bàn về việc hiến tạng và những thách thức trong việc vận động hiến tạng.

Trong những năm qua, ghép tạng được coi là một trong những cách hiệu quả để điều trị căn bệnh ung thư. Ghép tạng cũng được coi là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh.

Qua hơn 20 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép thận-tụy... Tổng số ca ghép tạng đã thực hiện trong thời gian qua là con số còn quá ít so với tiềm năng hiện có.

Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Ngành ghép tạng Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép. Trong khi nhiều mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh.

Nói về vấn đề này, GS.TS, Bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cho biết có rất nhiều bệnh nhân ung thư, hoặc mắc các bệnh như suy thận… sẽ được cứu sống nếu có tạng thay thế.

Bác sỹ Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng thuộc về những định kiến, quan niệm xã hội. Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu những áp lực từ bạn bè, họ hàng. Do đó, nguồn cho các bệnh nhân cần được hiến tạng vẫn đang rất khan hiếm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong vấn đề này, truyền thông có một vai trò quan trọng trong việc tác động, thay đổi nhận thức của công chúng về việc hiến tạng.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) khẳng định truyền thông trong vấn đề hiến tạng chưa thực sự hiệu quả. Theo chuyên gia, không chỉ đơn giản là việc đưa tin một người hiến tạng có thể cứu sống bao nhiêu người, mà cần thể hiện một cách nhân văn, sâu sắc hơn nữa.

Bên cạnh đó, qua quá trình tiếp xúc thực tế với các bệnh nhân, bác sỹ Trịnh Hồng Sơn cho biết, theo luật, người hiến tạng có quyền được giữ bí mật việc hiến tạng với người thân, dư luận. Do đó, truyền thông muốn tiếp cận cũng rất khó khăn.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay công tác truyền thông về hiến tạng cứu người vẫn được Bộ tiếp tục đẩy mạnh, việc xây dựng ngân hàng tạng đang được triển khai hiệu quả.

Song nhà báo Vũ Mạnh Cường cũng cho rằng, công tác truyền thông sẽ chưa thực sự đạt được hiệu quả, nếu như người làm truyền thông về vấn đề này chưa hiểu được văn hóa của những đối tượng cần truyền thông, đặc biệt trong vấn đề hiến tạng. Do đó, cần có sự đào tạo về văn hóa truyền thông cho đội ngũ người làm truyền thông từ chính các trường đại học hiện nay./.