Trong đêm qua và rạng sáng nay (16/10), công tác ứng phó mưa lũ và cứu trợ người dân bị cô lập do lũ chia cắt của các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa tiếp tục được các địa phương triển khai.

Hồ chứa sắp phải xả để đảm bảo an toàn

Ông Ngô Quốc Thăng - Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ Lợi Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, rạng sáng nay, lượng nước về hồ Vực Mấu tiếp tục lên nhanh, gần vượt mức thiết kế của hồ.

ho_vuc_mau_gjyq.jpg
Năm 2013, xả lũ hồ Vực Mấu đã gây nên những hậu quả đáng tiếc. 

Theo kế hoạch, 7h sáng nay, hồ Vực Mấu sẽ xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa. Trong quá trình xả, tuỳ theo diễn biến thời tiết và lượng nước đến hồ Vực Mấu, Xí nghiệp sẽ vận hành các cửa tràn theo quy trình và thông báo bằng hiệu lệnh còi tầm để các địa phương và nhân dân biết chủ động ứng phó. Hiện nay còn khoảng 24cm là đạt ngưỡng thiết kế.

Chiều qua Xí nghiệp đã có văn bản và liên lạc điện thoại cho các cấp chính quyền địa phương để thông báo cho nhân dân biết kế hoạch xả nước. Trước khi xả tràn khoảng 1 tiếng, đơn vị sẽ vận hành còi tầm để thông báo cho nhân dân biết.

Hàng nghìn hộ bị ngập

Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ khiến hàng nghìn căn nhà ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh bị ngập sâu trong nước. Riêng ở huyện Hương Khê có 11 trong tổng số 16 xã và thị trấn ngập sâu từ 2m đến 3m.

Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu hộ để cứu trợ người dân.

"Hiện đã huy động toàn bộ quân số của công an và quân sự tham gia cứu hộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng cử 60 cán bộ chiến sĩ tham gia phối hợp cùng địa phương. Nếu có tình huống xấu có thể huy động thêm hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng tham gia để giúp dân. Huyện cũng giao cán bộ địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, và chính quyền cơ sở phải nắm thông tin đến tận thôn, xóm và người dân. Phải biết hộ nào bị ngập đến đâu, đang cần gì, khó khăn gì để huy động lực lượng cứu trợ kịp thời” - ông Huấn cho biết.

Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước và sau mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương kiểm tra rà soát những khu vực ven sông, ven suối nguy cơ có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng các phương án  sơ tán dân đến nơi an toàn khi có lệnh. Đồng thời rà soát các phương án đảm bảo các công trình đê điều, hồ đập, nhất là những công trình đang thi công dở dang.

Cùng với ứng phó mưa lũ, Thanh Hóa cũng đã có công điện yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn để ứng phó bão số 7 trên biển Đông.

Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ tối qua đến sáng 16/10 nước đã rút. Địa phương yêu cầu các công ty thủy nông, đơn vị quản lý các trục tiêu lợi dụng nước triều xuống để bơm tiêu úng phòng trường hợp tiếp tục có mưa vẫn đảm bảo sản xuất lúa và hoa màu. Đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã ven biển thông báo cho các tàu thuyền về diễn biến của bão số 7 về nơi trú tránh an toàn”./.