Chiều 9/7, kỳ họp thứ 9 HĐND Thành phố Hà Nội, tại nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, từ năm 2016 đến nay, Công an thành phố đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về PCCC, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.
Giám đốc Công an Hà Nội báo cáo về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy. |
Công an thành phố đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn PCCC…
Công an thành phố đánh giá, vẫn còn một số nơi, chính quyền địa phương bị động trong công tác giám sát về PCCC, buông lỏng quản lý, đặc biệt là còn hiện tượng quán karaoke bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn cố tình hoạt động.
Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương nhấn mạnh, các biện pháp PCCC trong thời gian tới là: Tăng cường tuyên truyền thông qua việc xây dựng các chuyên trang, tăng thời lượng phát sóng các chương trình PCCC; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trang thiết bị, phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ, nhất là các phương tiện đặc chủng; rà soát, tháo dỡ các bục bệ, barrier ở các ngõ để xe chữa cháy có thể tiếp cận được hiện trường trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn; rà soát xây dựng các bến lấy nước, trụ nước để phục vụ công tác chữa cháy; rà soát việc thực hiện an toàn PCCC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Siết chặt các cơ sở karaoke không đủ điều kiện PCCC
Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, Sở thống nhất với báo cáo của Công an TP về công tác PCCC trong các địa điểm kinh doanh karaoke. Sở VHTT bổ sung thêm, hiện trên địa bàn có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ khoảng 500 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, hơn 1.000 không đủ điều kiện và các quận, huyện đã đình chỉ các cơ sở này, tuy nhiên theo quy định pháp luật, chúng ta chưa rút được giấy phép các cơ sở.
Từ tháng 11/2016, sau vụ cháy ở 68 Trần Nhân Tông (quận Cầu Giấy), UBND TP đã tạm dừng cấp phép các cơ sở kinh doanh karaoke theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Theo Thông tư 47, các cơ sở kinh doanh karaoke có điều kiện về PCCC vô cùng nghiêm ngặt. Và các cơ sở này không đủ điều kiện chủ yếu do không đủ điều kiện về PCCC.
Tháng 6/2018, theo ý kiến của các doanh nghiệp và các quận, huyện báo cáo UBND TP cho phép được tiếp tục kinh doanh karaoke, nhưng sau khi Thường trực Thành ủy nghe báo cáo, thấy rằng, tình trạng vi phạm tại các quán karaoke vẫn còn nghiêm trọng.
Tại thời điểm báo cáo chỉ có 33% cơ sở đảm bảo đủ điều kiện nên Thành ủy chỉ đạo, yêu cầu tiếp tục duy trì tạm dừng các cơ sở kinh doanh karaoke này, yêu cầu Công an TP, các quận huyện phải tăng cường thực hiện đúng quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Vì vậy, tình trạng cháy, nổ xảy ra tại các quán karaoke thời gian qua ít hơn, hạn chế hơn.
Sở VHTT là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm, đã đi kiểm tra 394 cơ sở, phạt hơn 1 tỷ đồng, đồng thời, điều chuyển cho địa phương biết, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke này. Các quận, huyện cũng phải có trách nhiệm quản lý các cơ sở trên địa bàn, tuy nhiên một số nơi vẫn buông lỏng quản lý. Do đó, đề nghị chính quyền có trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ sở bởi tình trạng các cơ sở không đủ điều kiện lén lút hoạt động./.Thanh tra công tác PCCC tại Tổng Công ty điện lực miền Bắc