Tại hội nghị giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/6, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, năm 2020 còn tồn tại 12 điểm đen úng ngập trên địa bàn TP, ngoài ra còn tồn tại những điểm úng ngập nhỏ lẻ khác.
Qua kiểm tra, rà soát 6 tháng năm 2020 cho thấy có 6 điểm không giảm được úng ngập là: Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành- Bát Đàn- Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trương Định; Đại lộ Thăng Long do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả. 6 điểm đã giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% gồm Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.
Vận hành xử lý thông cống trên tuyến phố Hà Nội trước mùa mưa. |
Đại diện Sở Xây dựng dự báo tình hình úng ngập 6 tháng cuối năm, với cường độ mưa khoảng từ 50-100mm trong 2 giờ thì các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập.
Một số điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: các ngõ, ngách, khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến như: Quốc lộ 1A, QL 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), QL 32,QL 21B… trên đường gom Đại lộ Thăng Long (đoạn hầm chui ngã ba Thiên đường Bảo Sơn- Vành đai 3,5 đường Lê Trọng Tấn Geleximco và tại một số vị trí hầm chui dân sinh sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông.
Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm trong 2 giờ không xảy ra úng ngập, chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Ông Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết mức đầu tư cho Hệ thống thoát nước trong 12 quận nội thành khoảng trên 210.000 km2 nhưng thời gian qua mới chỉ đầu tư được 77km2; lưu vực sông Tô Lịch có hệ thống thoát nước cưỡng bức; Trạm bơm Yên Sở công suất 90m3/s- còn lại 2/3 chưa được đầu tư do Thành phố chưa có tiền.
Ví dụ khu vực Long Biên thoát nước hoàn toàn tự chảy ra sông Cầu Bây; Hệ thống thoát nước lưu vực sông Nhuệ 110 km2 chưa được đầu tư đồng bộ, trạm bơm Yên Nghĩa dù đã được lắp đặt 10 tổ bơm công suất 120m3/s nhưng chưa đạt hiệu quả thoát nước như thiết kế do các công trình phụ trợ còn đang trong giai đoạn thi công…
Theo ông Hùng, trong 12 điểm úng ngập hiện tại trong nội thành, có 4 điểm cố hữu đề xuất giải pháp bể chứa nước ngầm. Hiện nay tại điểm đen úng ngập Nguyễn Khuyến, UBND quận Đống Đa đang đầu tư bể điều tiết ngầm; tại điểm trường Lý Thường Kiệt, dự kiến 3 tháng nữa hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề úng ngập tại đây; điểm úng ngập Cao Bá Quát sau khi dự án cải tạo hồ Linh Quang hoàn thành sẽ giảm thiểu tình trạng úng ngập; điểm ngã 5 Đường Thành- Bát Đàn-Nhà Hỏa chuẩn bị triển khai dự án thoát nước bằng bể điều tiết ngầm; điểm thứ 4 ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt sau khi công trình dịch chuyển hoàn trả hệ thống nước ngầm của nhà ga S12 dự án Đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng úng ngập của khu vực. 8 điểm đen úng ngập còn lại các dự án chống úng ngập đang được triển khai.
Để người dân nắm bắt tình hình diễn biễn các trận mưa, các điểm úng ngập trên địa bàn thành phố, Công ty tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước. Các thông số của trung tâm được kết nối với cổng thông tin điện tử thành phố và địa chỉ của Công ty Thoát nước... Cụ thể, nâng cấp phần mềm HSDC maps trên điện thoại cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, giám sát điểm úng ngập qua camera có sự tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố… Phối hợp với kênh VOV Giao thông tuyên truyền để người dân sử dụng ứng dụng HSDC maps để chủ động tránh điểm úng ngập./.