Để chủ động phòng chống thiên tai, sáng 9/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống lụt bão năm 2014 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2015. Theo đó, thành phố tập trung xử lý sự cố thiên tai ngay từ giờ đầu là một trong những nhiệm vụ đề ra trong công tác phòng chống thiên tai của Hà Nội.

Năm 2014 thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng của cơn bão số 2 và bão số 3, gây mưa lớn và làm gãy đổ nhiều cây xanh. Bên cạnh đó, trong năm cũng xảy ra 6 sự cố về đê và 1 sự cố về kè. Tuy nhiên, nhờ có chỉ đạo, phát hiện kịp thời nên đã ứng phó hiệu quả đảm bảo khắc phục, tiêu thoát nước, xử lý nhanh cây đổ nên đã đảm bảo an toàn đê điều, tính mạng, tài sản nhân dân và đảm bảo giao thông.

thien_tai_1_bujf.jpg

Hiện thành phố Hà Nội vẫn còn 19 vị trí sạt lở và công trình hư hỏng cần được sửa chữa. Tình trạng vi phạm hành lang đê điều, tập kết vật liệu xây dựng, chạy xe tải trọng lớn chạy trên mặt đê vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, tình trạng tàu thuyền hút cát trái phép diễn ra còn rất phổ biến, là một trong nguyên nhân chính làm thay đổi dòng chảy, gây nguy cơ sạt lở đê điều.

Ông Uông Đức Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết:Để bắt được một tàu cát trên sông là hết sức khó khăn, lực lượng của huyện phương tiện không có, địa bàn lại giáp ranh với Hưng Yên, nên vi phạm này nếu không có lực lượng cảnh sát thì địa phương chỉ thu được các ống trên bờ, còn các tàu thuyền, bắt các tàu để xử lý nghiêm mang tính chất răn đe còn bị hạn chế”.

Để chủ động triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm nay, TP Hà Nội chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai bố trí kinh phí, đảm bảo các điều kiện để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ngay từ trước mùa mưa bão; tổ chức tập huấn, thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết:“Năm nay, thành phố sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc xử lý vi phạm của một số huyện trọng điểm, có nhiều vụ vi phạm tồn đọng để đôn đốc cũng như chỉ đạo địa phương quyết liệt giải tỏa những vấn đề này. Còn các điểm xung yếu cần xử lý, đặc biệt là các tuyến sông Nhuệ, thành phố sẽ giao các sở ngành kiểm tra đánh giá nếu đủ các điều kiện thì phải cho xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn về công trình và an toàn tài sản, tính mạng nhân dân”.

Tại Hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội lưu ý, vấn đề cảnh báo, thường xuyên theo dõi, xử lý giờ đầu khi có sự cố xảy ra là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã./.