Khi người bị loài côn trùng này hút máu sẽ xuất hiện các nốt đỏ, có thể bị phù, nề, sưng to, nặng hơn là bị sốt li bì.

Thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Từ Liêm đã phát hiện ổ bọ xít với khoảng 1.300 cá thể. Quận Long Biên phát hiện nhiều ổ bọ xít với số lượng từ 700- 800 con. Các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ cũng tồn tại những ổ bọ xít với số lượng từ 50-200 con. Các chuyên gia cho biết, loài bọ xít này có nguồn gốc từ Châu Mỹ, xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2010 và có khả năng sinh sản rất cao. Tuy nhiên, hiện rất nhiều người dân không biết loài sinh vật này.

Anh Trần Thế Minh ở quận Hoàn Kiếm lo lắng: “Tôi cũng được biết thông tin con bọ xít hút máu người. Nhưng chưa nhìn thấy bao giờ và cũng không biết tác hại của nó như thế nào. Ví dụ như nếu nó nhiều thì mới biết là con gì đốt, nếu không thì chỉ nghĩ là con muỗi hay còn gì đó đốt thôi”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: Mỗi năm, mỗi cá thể bọ xít hút máu có thể sản sinh từ 200-250 trứng. Hiện đang là mùa sinh sản cao điểm của bọ xít hút máu người (từ tháng 5 đến tháng 8). Trong giai đoạn sinh sản, bọ xít cần lượng thức ăn rất lớn nên phát tán nhiều vào nhà dân.

Khi bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi để tránh gây xước, có thể gây viêm nhiễm và phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ  Trương Xuân Lam cho biết: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của loại bọ xít này, ngoài những nghiên cứu là những vết đốt của nó gây ra những vết sưng, tấy, thậm chí một số người bị phù nề, gây sốt. Khuyến cáo người dân phải biết đề phòng bọ xít phát tán trong nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, kiểm tra giường chiếu, đặc biệt là những chỗ ngủ có khả năng tạo thành những ổ trong nhà. Người dân không nên phun thuốc vì rất ảnh hưởng tới sức khỏe con người./.