d1_vov_xhby.jpg
Đê Bùi 2 ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị vỡ vào sáng sớm ngày 12/10  vừa qua khiến nhiều người dân bị mất hết tài sản.

Liên quan đến sự cố vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ (Hà Nội) ngày 12/10 vừa qua, Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không thể nói một cách “lấp liếm” là chủ động cho đê vỡ "theo kế hoạch" được. Vì đê vỡ trong kế hoạch có nghĩa là chủ động làm cho vỡ, và nước lũ đi vào vùng chứa lũ, cũng theo đúng kế hoạch, rất chủ động chứ không thể nói như ông Chi cục trưởng khiến dư luận hồ nghi.

Đoạn đê bị vỡ rạng sáng ngày 12/10 vừa rồi, nằm trong tuyến đê mới được xây dựng, nâng cấp, vừa được nghiệm thu. Người ta có quyền nghi ngờ về chất lượng của tuyến đê này.

** Thưa ông, những thông tin khác nhau về vụ vỡ đê Bùi 2 ở huyện Chương Mỹ ngày 12/10 vừa qua đã khiến dư luận xôn xao. Còn ông, ông có bình luận gì khi chính quyền xã, huyện Chương Mỹ  mỗi người nói một phách và Chi cục đê điều Hà Nội giải thích “kỳ lạ” như vậy?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Thông tin vỡ đê này không thống nhất với nhau về những ý kiến, mà đặc biệt là có Cục quản lý đê điều - Tổng cục Thủy lợi là cơ quan thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là cơ quan cao nhất của trung ương về quản lý đê điều mà phát biểu để cho dư luận xôn xao thật không hợp lý. Đây là điều mà chúng ta nên tránh.

** Theo ông, thì đâu là lý do dẫn đến sự cố nhiễu loạn thông tin về sự cố đê Bùi 2 ở Chương Mỹ?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Theo tôi, ở đây có liên quan đến quy hoạch về đê điều. Trước đây, tất cả những đê bao ở ngoài sông (chúng tôi thường gọi là đê bối) là tạm, chỉ cho phép người dân trong những mùa khô được sản xuất ở đấy, còn mùa lũ thì phải di chuyển lên bờ.

Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không thể nói một cách “lấp liếm” là chủ động cho đê vỡ "theo kế hoạch" được. Ảnh NVCC.

Nhưng trong những năm gần đây, Chính phủ có hẳn một quyết định, coi đấy là vùng cho phép người dân để sản xuất, để ở và được phép kiên cố hóa. Cho nên đê Bùi này cũng là phần thuộc quy định đó. Vậy thì nếu mà kiên cố hóa, thì việc xảy ra ngập lụt này phải có cách giải thích thấu đáo.

** Trước đó, trả lời phóng viên VOV, ông Lê Trọng Khuê – Bí thư huyện ủy Chương Mỹ có khẳng định, thiết kế đê Bùi 2 là 7 mét, khi nước sông Bùi lên cao hơn thì phải có phương án cho tràn theo thiết kế kỹ thuật và điều này thì nằm trong phương án dự tính vận hành. Thế nhưng rất nhiều người thắc mắc là xả tràn đúng kỹ thuật thì tại sao huyện lại không thông báo kịp thời cho xã để giảm bớt thiệt hại cho người dân, thưa ông?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Đúng, đây là ý kiến rất xác đáng, bởi vì như tôi nói, đây là loại đê được kiên cố hóa, cho nên mới làm bằng bê tông và phương án thiết kế của đê cũng được phép khi nó vượt quá tràn.

Lại có một giải pháp là khi chúng ta dự báo và dự kiến tràn thì chúng ta phải di dân. Hiện nay trong hệ thống phòng chống thiên tai thì chúng ta có Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ cấp trung ương xuống đến cấp xã và đều là do người đứng đầu chính quyền các cấp phụ trách cả. Vậy thì tại sao lại không có phương án nào cho ban này hoạt động?

Nếu chúng ta nói rằng vỡ theo kỹ thuật, vậy thì người dân đi đâu? Anh phải có phương án cho người ta, ít nhất cũng phải vài tiếng đồng hồ để người ta di chuyển người dân hoặc là tài sản chứ không thể để vỡ một cách bất ngờ.

Trong quy định quản lý đê điều không bao giờ cho phép đưa nước một cách đột ngột, ngập vùng dân mà không thông báo, cái đó là hoàn toàn sai.

** Thưa ông, thiệt hại và ảnh hưởng của người dân các xã ở Chương Mỹ thì đã thấy rồi. Vậy thì liệu có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cho sự cố vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Tôi cho rằng phải tìm ra nguyên nhân về sự cố ở đây.

Đầu tiên, nếu tuyến đê này được đầu tư, được kiên cố hóa thì phải xem lại thiết kế, xem có đúng là lũ vượt quá tần suất thiết kế không. Cục Đê điều – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là người quyết định.

Nhiều trang trại của các hộ dân xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến bị cuốn theo dòng nước khi đê Bùi 2 bị vỡ.

Nếu như nói rằng nó đã vượt quá rồi thì trách nhiệm của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở đâu. Tại sao khi chúng ta dự báo lũ này vượt được như ông bí thư huyện ủy nói, tại sao không thông báo cho người dân để sơ tán.

Tôi nghĩ, có thể khi chúng ta bị đột ngột quá thì chúng ta nói rằng theo thiết kế kỹ thuật. Nếu vậy, ngược lại do thiết kế kỹ thuật thì người dân phải chịu hậu quả? Điều này trong quy hoạch đê điều và trong thiết kế kỹ thuật không bao giờ Nhà nước cho phép làm như vậy.

Phải có người đứng ra nhận trách nhiệm trong sự cố vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ.

** Điều đáng nói là tuyến đê bê tông vừa gặp sự cố ở huyện Chương Mỹ vừa mới được nghiệm thu, đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay và được đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. Theo ông thì người ta có quyền được nghi ngờ về chất lượng của tuyến đê này hay không?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Đúng. Một tuyến đê mới để nước tràn vào thì người ta phải nghi ngờ.

Bởi vì trong thiết kế đê, tiêu chí quan trọng nhất là chiều cao của đê. Đê có thể là bằng đất, bằng bê tông, nhưng chiều cao thì không bao giờ được cho lũ tràn vào. Như vậy phải xem lại thiết kế xem ai cho phép thiết kế cao trình đỉnh đê này và cao trình đỉnh đê này được thiết kế với tần suất nào? Thì tất cả những điều này cần phải được làm rõ.

Theo tôi không phải chỉ là UBND huyện Chương Mỹ, cái này tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Hà Nội phải vào cuộc và sau đó là Vụ quản lý đê điều của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xem anh thiết kế có đúng không?

Nếu thiết kế đúng thì xem xét phương án di dân, từ đó mới quy trách nhiệm được.

Gia cố tuyến đê bị vỡ.

Trách nhiệm đầu tiên phải là chủ đầu tư dự án và ai phê duyệt dự án này. Thứ hai, đến mùa mưa bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, trách nhiệm của anh trước các đê bối này. Vì Thủ tướng vừa qua mới phê duyệt quyết định cho nên chúng ta chưa quen lắm, đê ở sông ngày xưa không cho phép ở thì kiên cố đến đâu, nay cho phép ở thì như thế nào. Và như vậy là phải có phương án sơ tán dân. Thế tại sao ở đây không sơ tán dân mà để dân như vậy.

Khi gặp sự cố này, người dân kêu thì chúng ta phải tìm nguyên nhân, lỗi từ đâu để hỗ trợ người dân, không thể để người dân phải chịu thiệt thòi. Không bao giờ Nhà nước ta cho phép như vậy. Ở đây chúng ta nên rút kinh nghiệm ở các cấp cho vấn đề này.

** Theo ông, hướng điều tra xử lý và khắc phục những bất cập trong quản lý đê điều hiện nay, đặc biệt là của Hà Nội?

GS-TS Vũ Trọng Hồng: Trước tiên, đối với hệ thống đê điều, không phải chúng ta giám sát nó vào mùa lũ mà cái chính là vào mùa khô, như miền Bắc chúng ta, đầu tháng Năm là lũ thì trong tháng Ba chúng ta phải đi kiểm tra tất cả các chân đê, xem có bị lỗ mối, có bị sạt lở không. Nếu như có thì phải sửa chữa, nếu không sửa chữa kịp thời thì phải có phương án dự trữ vật tư. Đến cuối tháng 4 phải kết thúc, không ai được phép sửa chữa nữa, để con đê đó chủ động vào mùa mưa lũ.

Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phải có người đứng ra nhận trách nhiệm trong sự cố vỡ đê Bùi 2 ở Chương Mỹ.

Thứ 2 là nâng cao trách nhiệm Cơ quan quản lý đê điều. Hà Nội phải xem xét lại Chi cục quản lý đê điều, vì cơ quan khí tượng thủy văn người ta thông báo lũ lớn trước đó, thì mình phải có phương án kiểm tra, khi mà thấy mực nước lên nhanh thì phải có giải pháp đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có phương án di dân…

Ngày xưa, khi tôi làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 1996, chúng ta có một vụ ngập nước rất lớn, chúng tôi phải bay trực thăng xem và xuống tận mặt đê xem và sau đó lên báo cáo Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó phương án di dân.

Nhưng ở đây không hề có động tĩnh gì, khi dân kêu thì lại nói là phương án kỹ thuật. Tôi xin nói lại là từ xưa đến nay không bao giờ nhà nước cho phép làm như vậy!

Tiếp theo, tôi đề nghị Hà Nội phải rà soát lại các tuyến đê, bởi vì các tuyến đê của chúng ta lâu nay, đặc biệt là các tuyến đê phụ, đê bao, cái nền đất nó yếu lắm. Bây giờ cho xây dựng lên thì phải xem xét để bảo vệ nó. Hà Nội phải củng cố lại các tuyến đê, bởi vì đây là cơ quan chính trị, kinh tế đầu não của cả nước.

Bên cạnh đó, tôi có đề nghị Chủ tịch các cấp, là Trưởng các ban phòng chống lụt bão, trước mùa mưa bão đều phải đi học, tập huấn. Vì qua đây mới thấy chúng ta lơ là về chuyện này và lâu rồi chúng ta không được học, nên lúc bị ngập chúng ta mới lúng túng.

** Xin cảm ơn ông!