Cụ thể, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị tổ chức ứng trực 24/24h, chủ động nắm, theo dõi sát tình hình thời tiết liên quan đến cơn bão số 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn TP và Ủy ban Phòng chống lụt bão của các quận, phường; các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý theo phương châm 3 sẵn sàng: “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; 4 tại chỗ: “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” để tổ chức hiệp đồng huy động, bố trí lực lượng sẵn sàng giải quyết các tình huống phức tạp, giúp đỡ người tham gia giao thông, người bị nạn, hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 2 gây ra.
|
Đường Vũ Trọng Phụng giao thông gần như tê liệt, có đoạn ngập sâu đến gần 1m. (ảnh: Nhật Ngân) |
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngoài việc tăng cường chốt trực, Phòng CSGT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát trên toàn địa bàn quản lý, tập trung tại các điểm ngập úng, các điểm có khả năng ảnh hưởng đến TT, ATGT do mưa bão, ngập úng như: Hệ thống cây xanh to, dễ đổ gây cản trở giao thông; Hệ thống đường dây tải điện, viễn thông, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông; Các biển quảng cáo, pa-nô, áp phích ngoài trời, trên cao; Nhà cửa, các đoạn đường hư hỏng, các công trình đang thi công sửa chữa, cầu yếu; Các tuyến đường thuộc vùng trũng, thấp hoặc có nguy cơ sạt lở cao.
Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, để đối phó với cơn bão số 2, các đơn vị phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, nút ngập úng, khu vực UTGT theo phương án bố trí lực lượng đã được chỉ huy phòng phụ trách phê duyệt không để ùn tắc, TNGT.
Đặc biệt, ưu tiên các phương tiện cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn hoặc vận chuyển lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu…; cấm triệt để các phương tiện vào khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập, úng; bố trí xe tải, xe cẩu thường trực cẩu, kéo ôtô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng; đặt các biển báo thông báo phía trước có điểm ngập sâu đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống bão, lụt.
Trước đó, sáng 17/7, Hà Nội có mưa lớn khiến một số tuyến đường ở các quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy ngập sâu trong nước.
Tại các tuyến đường như Vũ Trọng Phụng, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân), Trường Chinh, Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa), Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng (Cầu Giấy)… bị ngập sâu trong nước. Nhiều người phải xuống dắt xe máy vượt qua. Tại nhiều tuyến phố xe máy để trên vỉa hè cũng bị ngập nước.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đợt mưa này có khả năng gây ngập úng cho các tuyến phố Hà Nội từ 0,1 m đến 0,3 m như: Hoa Bằng; Trần Bình; Phan Văn Trường; Pham Văn Đồng; Xuân Thủy; Cầu Giấy; Nguyễn Xiển; Nguyễn Chính (Tân Mai); Hoàng Mai; Định Công; Bến xe phía Nam (Giải Phóng); Minh Khai (Chân cầu Vĩnh Tuy); Trường Chinh-Tôn Thất Tùng; Lê Duẩn (cửa ga Hà Nội); Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Nguyễn Khuyến; Cao Bá Quát; Đội Cấn; Thụy Khê…
Công ty đã lên kế hoạch và yêu cầu các đơn vị trên địa bàn TP bố trí toàn bộ lực lượng chống ngập úng tại các điểm trên và ứng phó với cơn bão số 2. Hiện tại toàn thể công nhân viên Công ty đang thực hiện công tác ứng trực tại các điểm ngập để làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, hướng dẫn giao thông./.