Theo phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung, hiện nay, tỉnh Phú Yên có 107 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm điểm cách ly tập trung. Ngành giáo dục tỉnh này đang xây dựng phương án đảm bảo năm học 2021-2022 diễn ra đúng kế hoạch và an toàn.
Sau hơn 2 tháng bùng phát dịch, đến nay tỉnh Phú Yên ghi nhận gần 2.490 ca mắc Covid-19. Thành phố Tuy Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 1.400 ca. Thầy giáo Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, thành phố Tuy Hòa lo lắng, năm học này nhà trường có 950 học sinh ở 3 khối. Thành phố Tuy Hòa đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên sắp tới nhà trường sẽ triển khai dạy học trực tuyến.
Thầy Huỳnh Tấn Châu cho biết, hiện 27 lớp học trong trường đều đã lập nhóm zalo, các kế hoạch của nhà trường sẽ được chuyển đến các em học sinh. Theo đó, trường lập một tổ công nghệ thông tin trợ giúp trong điều kiện mới. Mỗi tổ bộ môn cử một giáo viên tham gia nhóm này để hỗ trợ và truyền tải phương pháp dạy học.
"Dạy trực tuyến là mình biên soạn lại những điều cơ bản nhất, cốt lõi nhất, trọng tâm nhất. Trường vẫn phải lưu ý đến học sinh lớp 12 vì đây là một đối tượng rất quan trọng. Học sinh lớp 12 phải có những bài giảng nâng cao để các em đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi" - thầy Huỳnh Tấn Châu nói.
Năm học 2021-2022, tỉnh Phú Yên có hơn 196.400 học sinh ở các cấp học. Dịch Covid-19 ở tỉnh Phú Yên đang diễn biến rất phức tạp, việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên, đến nay 107 trường học được các địa phương trưng dụng làm khu cách ly tập trung, khu vực tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng các phương án tổ chức dạy và học linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Phú Yên đã đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các địa phương, căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 để có kế hoạch bàn giao lại các trường học đang sử dụng làm khu cách ly y tế, tiến hành vệ sinh khử khuẩn trước khi khai giảng.
“Chúng tôi sẽ hướng dẫn những thủ tục đơn giản nhất cho các trường học về việc tiếp nhận học sinh ngoài tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổ chức thăm hỏi, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn để huy động ra lớp. Không để bất kỳ học sinh nào khó khăn hoặc bị thiếu sách giáo khoa mà bỏ học" - ông Trần Khắc Lễ nói.
Sáng ngày 24/8, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm học mới. Tại hội nghị này, đại diện các huyện miền núi như Sông Sinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa cho rằng, việc dạy học trực tuyến sẽ không khả thi ở khu vực miền núi do thiếu thiết bị học trực tuyến, nhiều vùng mạng 4G, internet không ổn định... Lãnh đạo các địa phương miền núi đề nghị ngành giáo dục có nhiều phương án dạy học phù hợp với từng địa bàn.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh ưu tiên dành nguồn lực để các địa phương triển khai hình thức học trực tuyến. Tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư gói thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đối với tiểu học và mầm non, các trường phải tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh học sinh chăm sóc, giáo dục các em. Ông Trần Hữu Thế đề nghị, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch Covid-19, các trường phải hạn chế các khoản thu đầu năm học và tiết kiệm triệt để các khoản chi.
“Những vùng các em có thể được đến trường một cách hạn chế, trên cơ sở chúng tôi đã trả lại hoặc những cơ sở trường học lâu nay vẫn giữ, thì phải tiến hành vệ sinh dịch tễ để bảo đảm cho việc tiếp nhận các em đi học. Ngành giáo dục sẽ thực hiện rà soát tất cả những đối tượng đến trường, kể cả giáo viên. Chúng tôi yêu cầu thực hiện và ứng dụng công nghệ để kiểm tra việc ra vào trường của giáo viên và tất cả các phụ huynh khi đến đưa đón các em” – ông Trần Hữu Thế nói.
Theo tin từ phóng viên Trịnh Giang VOV/TP.HCM, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM tạm không thu học phí học kỳ 1, miễn học phí học kỳ 1 như một chính sách hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông trong giai đoạn dịch bệnh.
Tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hôm nay (24/8), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cho biết, Sở đã đề xuất TP.HCM giữ nguyên mức thu học phí của năm học 2020-2021 thực hiện cho năm học 2021-2022 nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính với phụ huynh do ảnh hưởng của dịch và đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành hướng dẫn thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025-2026. Tuy nhiên, trước tình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021-2022 phải thực hiện dạy và học trên internet; Sở đã có tờ trình đề xuất UBND TP.HCM giãn thời gian thu học phí, cụ thể là tạm không thu học phí học kỳ 1. Đồng thời, đề xuất miễn học phí học kỳ 1 như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông. Nội dung này đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND TP.HCM.
Nhằm hỗ trợ các học sinh khó khăn về điều kiện thiết bị, đường truyền,… Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM sẽ nắm tình hình, tuỳ theo điều kiện để hỗ trợ như trang thiết bị, gửi tài liệu để học sinh tự ôn tập thêm… Nội dung chương trình thời gian đầu năm học sẽ ưu tiên các đoạn phim hướng dẫn trẻ tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ con em mình học tập trên môi trường mạng internet...; ưu tiên các lớp 1, lớp 2 và các lớp đầu cấp, cuối cấp./.