Chiều nay (25/6), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo giới thiệu Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2021.
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những vấn đề nóng, thành tựu trong thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học của ngành Giáo dục trên phạm vi cả nước. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" nhấn mạnh, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Nhân dân, xã hội luôn kỳ vọng vào sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà, vì thế GD-ĐT có sứ mệnh quan trọng.
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thành tích của giáo dục đã đóng góp chung vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong nhiều năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục. Qua đó đã giúp cho những chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân cùng đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới.
Thứ trưởng khẳng định, những ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ trưởng chia sẻ, làm GD-ĐT đã khó, sự nghiệp đổi mới GD-ĐT càng khó hơn. Để đổi mới GD-ĐT thành công, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ thầy, cô giáo, rất cần sự đồng hành của cơ quan báo chí nói chung và các phóng viên, nhà báo nói riêng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gửi lời cảm ơn đến các phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm đến GD-ĐT nói chung và Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nói riêng.
Thứ trưởng mong muốn, sẽ nhiều tác phẩm báo chí hay, chất lượng phản ánh sinh động về sự nghiệp GD-ĐT gửi đến Ban tổ chức. Đây cũng là cách mà các nhà báo đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà.
Theo BTC, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" dành cho các tác phẩm báo chí được đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong nước và ở nước ngoài, thời gian đăng, phát từ ngày 5/9/2020 đến hết ngày 5/9/2021.
Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.
Những tác phẩm đã được trao thưởng tại các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/ đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Tác phẩm đã đoạt Giải báo chí Quốc gia, các giải báo chí toàn quốc chuyên ngành khác không được tham dự. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm được công bố.
Về nội dung, tác phẩm dự thi bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm, có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao, có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo, có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới Giáo dục. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu.
Nội dung tác phẩm dự thi cũng có thể viết về các hoạt động giáo dục tiêu biểu đã và đang triển khai ở các địa phương, cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến đại học. Các tập thể, cá nhân có nhiều giải pháp, kết quả, thành tích nổi bật, đổi mới sáng tạo trong dạy và học theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những câu chuyện xúc động, có ảnh hưởng, tác động tích cực và truyền cảm hứng đối với xã hội về hình ảnh người thầy và những cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Loại hình báo chí được xét trao Giải gồm: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình
Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến ngày 30/9/2021./.