Theo bảng điểm vừa được đăng tải này, có đủ danh sách tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) với số lượng điểm trên 8 và 9 tại hai môn Ngữ Văn và Lịch sử cao đột biến.
Đối với môn Ngữ Văn, trong số 35 thí sinh nêu trên, có 5 thí sinh đạt điểm 9. Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 1.706 thí sinh đạt điểm 9.
Bảng điểm thi được cho là của Lạng Sơn gây xôn xao trên mạng xã hội. |
Tổng 3 môn thi Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên của 35 thí sinh trong bảng nêu trên không có thí sinh nào dưới 24 điểm.
Cao nhất là thí sinh N.V.D với tổng điểm 27,9 điểm – môn Toán (7,4); môn Ngữ Văn (9); môn Lịch sử (8.75); điểm ưu tiên là 2,75. Đứng thứ 2 là N.V.L với tổng điểm 26,8 – môn Toán (7,8); môn Ngữ Văn (8,75); môn Lịch sử (7,5); điểm ưu tiên là 2,75…
Sau sự việc 330 bài thi bị nâng khống điểm ở Hà Giang chưa kết thúc, bảng điểm thi “cao bất thường” trên đây của Lạng Sơn tiếp tục khiến nhiều người tranh cãi. Nhất là khi một số ý kiến cho biết, lực học của một số em trong nhóm điểm “cao bất thường” khá bình thường.
Với một đề thi được đánh giá là khá khó như năm nay, những em học lực bình thường này khó có thể "lột xác" để đạt điểm cao đến vậy.
Theo thông tin mới nhất có được, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Lạng Sơn cũng đã bắt đầu vào cuộc để xác minh danh sách 35 thí sinh có điểm được cho "cao bất thường" này.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: “Sáng 18/7, chúng tôi nhận được thông tin ở Lạng Sơn có 35 bài thi điểm thi bất thường.
Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cho kiểm tra, rà soát lại quá trình tổ chức thi và chấm thi để xem có gì không đúng quy định, có gì sai sót không để chỉ đạo xử lý”.
Cũng theo ông Thiệu, Sở GD&ĐT đã tập trung xử lý và cung cấp thông tin có hơn 30 bài thi có điểm cao hơn mức bình thường.
“Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tập trung rà soát đối chiếu hơn 30 bài thi đó so với bản gốc đang lưu ở Lạng Sơn với bản scaner đã được gửi về Bộ GD&ĐT xem có gì sai lệch hoặc khác nhau không.
Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Nhà ông Vũ Trọng Lương đóng kín cửa
Đối với bài thi tự luận (môn Ngữ Văn), chúng tôi cũng yêu cầu rà soát xem đã chấm đúng với đáp án và thang điểm chưa.
Anh em đang tích cực triển khai việc này và khi có thông tin, sẽ cung cấp cho công luận”.
Về quy trình rà soát, theo ông Thiệu, đối với hơn 30 bài thi được cho bất thường này, đích thân ông sẽ kiểm tra. Tuy nhiên, trước mắt cứ để Sở GD&ĐT làm trước một bước. Sau đó, ông mới là người trực tiếp xem.
Ông Thiệu cho biết thêm, địa phương này sẽ tập trung rà soát khâu bài thi và chấm bài vì các việc khác đã diễn ra không thể dựng lại được. Chỉ còn sản phẩm còn lại là bài thi. Do đó, bài thi sẽ phải rà soát lại xem có đúng với đáp án hay không.
Phó Chủ UBND tỉnh cho biết, ngay đầu giờ chiều nay (18/7), địa phương này đã vào cuộc và đang tích cực chỉ đạo rà soát các bài thi.
Được biết, theo số liệu đăng kí, toàn tỉnh có 9.068 thí sinh. Và đơn vị phối hợp chấm thi do Bộ GD&ĐT cử về là ĐH Văn Hóa và Học viện Báo chí Tuyên truyền. Còn ở tỉnh, trường CĐSP cùng phối hợp./.
Vụ gian lận điểm ở Hà Giang: Có quyền, có tiền mới "chạy" được điểm