Lớp học 1A3, Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Đông Phong, TP. Lai Châu sau ngày tựu trường 23/8 đến nay cô, trò đã bắt tay vào rèn kỹ năng nề nếp và ôn luyện viết chữ cái theo chương trình năm học. Theo cô giáo chủ nhiệm lớp Vàng Thị Kim Dung, đặc thù của học sinh lớp 1 là các con còn nhỏ, tư duy chưa phát triển, việc tiếp cận kiến thức chủ yếu là "cầm tay chỉ việc", nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu để các con phải học online.

"Giáo viên của lớp 1 đang tập trung rèn cho các con, ôn lại những chữ cái đã được học ở mầm non; hướng dẫn các con cách cầm bút, làm quen với bảng và tập viết các nét cơ bản. Đối với giáo viên, nếu cảm thấy lớp mình các con yếu ở phần luyện đọc giáo viên sẽ ôn luyện đọc. Những tiết như vậy chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ lên và rèn cho các con theo đối tượng học sinh", cô Kim Dung nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Út, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cũng cho biết, năm học 2021-2022, nhà trường có 19 lớp, với hơn 730 học sinh. Do số lượng học sinh tăng, cùng với việc bố trí các phòng chức năng làm lớp học, nhà trường đang thực hiện phương án dạy học trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt, nhà trường đã rà soát được 14 học sinh nghỉ hè ở ngoại tỉnh, không có khả năng tựu trường đúng lịch để hướng dẫn học nhờ, học ghép tại các địa phương.

"Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng nội dung dạy học trong khung thời gian của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của tỉnh đã ban hành. Mục đích chính là để tận dụng tình hình bình thường mới và đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các chương trình, nội dung môn học. Các tổ, khối cũng đã lựa chọn xây dựng các nội dung giảm thời lượng của một số tiết học, cũng như môn học để tập trung vào các kiến thức kỹ năng cơ bản cho học sinh", cô Út cho biết thêm.

Năm học 2021-2022, TP. Lai Châu có 30 trường, gần 12.800 học sinh, tăng 1 trường, 10 lớp so với năm học trước. Đến nay, các nhà trường cũng đã rà soát có gần 250 học sinh chưa có mặt ở địa bàn, trong đó, hơn 50 học sinh đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ông Trần Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP. Lai Châu cho biết, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và chất lượng năm học, địa phương đã chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh đang ở đâu thì yên tâm ở đó. Khi hết giãn cách xã hội, học sinh về địa phương, các trường sẽ bố trí giáo viên dạy thêm, dạy kèm để các em theo kịp chương trình học: "Chúng tôi đã chỉ đạo các thầy, cô giáo tự học, tự bồi dưỡng và vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Đặc biệt, là phải tập huấn, hướng dẫn trong công tác dạy học trực tuyến, phòng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà trường không để xảy ra tình trạng lúng túng như các đợt dịch trước. Thứ hai, các thầy, cô phải tăng cường giảng dạy cũng như phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho học sinh vào các thời gian buổi chiều và các ngày nghỉ, làm sao để các em học sinh không bị hổng kiến thức".

Trong năm học này, tỉnh Lai Châu có hơn 150.000 học sinh ở các cấp học, trong đó có khoảng 30.000 học sinh bán trú. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, học sinh chủ yếu là đồng bào các dân tộc, nên việc dạy và học theo hình thức online sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thiếu công cụ hỗ trợ. Vì vậy, các nhà trường trên địa bàn đang chủ động tận dụng "thời gian vàng" để tổ chức dạy và học.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, phương án tối ưu của năm học 2021-2022 là tận dụng tối đa quãng thời gian tình hình dịch bệnh tại địa phương đang ở trong giai đoạn bình thường mới để tổ chức dạy và học.

Tuy nhiên, ngành cũng đã chỉ đạo các nhà trường chủ động phương án giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế, khi dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp: "Chúng tôi yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về 5K, giãn cách và vệ sinh, khử khuẩn theo đúng quy định. Sau ngày tựu trường và các hoạt động trong khai giảng chúng tôi cũng lưu ý hạn chế đến mức tối đa việc tụ tập quá đông người và nơi nào cần thiết, xác định theo mức độ nguy cơ ở thời điểm đó có thể bố trí khai giảng với số lượng vừa phải. Khi dạy và học chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị sắp xếp chương trình làm sao cho phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện phòng, chống dịch mới".

Quyết tâm đạt được mục tiêu kép của ngành, các nhà trường ở tỉnh biên giới Lai Châu đang tận dụng "thời gian vàng" để giảng dạy ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm học 2021-2022. Đồng thời, chủ động phương án giảng dạy theo hình thức online đối với vùng thuận lợi và cử giáo viên xuống bản dạy học theo nhóm học sinh đối với vùng khó khăn khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn có diễn biến phức tạp./.